How We Learn

Tiền cho giáo dục – Vũ Hà Văn, Quý Hiên

Ảnh

GS Vũ Hà Văn hiện là giáo sư của trường ĐH Yale – Mĩ, và là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán rời rạc – một lĩnh vực của toán ứng dụng. Đầu xuân Quý Tị 2013, ông dành cho Tiền Phong một cuộc trò chuyện thú vị về vấn đề lương cho giáo viên.

GS Vũ Hà Văn bắt đầu câu chuyện từ mối bận tâm mà ông dành riêng cho cộng đồng toán Việt Nam:

Khi đánh giá nền toán học Việt Nam, chuyện  thứ hạng hay được nhắc đến. Thật ra thứ hạng đó có ý nghĩa rất tương đối và ta không nên bận tâm nhiều đến nó. Cái mà chúng ta cần quan tâm nhất hiện nay là đào tạo thế hệ kế cận. Thế hệ các các nhà toán học hàng đầu ở Việt Nam hiện nay như GS Ngô Việt Trung chỉ khoảng chục năm nữa là nghỉ hưu trong khi thế hệ kế cận còn mỏng. Hiện chất lượng giáo viên toán nói riêng ở đại học của ta còn khiêm tốn, nhiều trường phải dùng cử nhân mới tôt nghiệp vài năm để đứng lớp và có rất ít giáo sư dạy đại học còn tham gia nghiên cứu một cách tích cực. Trong khi đó chất lượng trường ĐH phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của người thầy. Không chỉ với toán mà các ngành khoa học khác cũng thế, chúng ta không nên hướng tới việc đạt một thứ hạng nào đó mà nên lấy việc phát triển đội ngũ nhà khoa học trẻ ở trong các trường ĐH trong nước làm mục tiêu quan trọng hàng đầu. Đó phải là những người làm nghiên cứu một cách thực thụ, trước hết là có tác phong nghiên cứu khoa học, tiếp đó là có công trình nghiên cứu có giá trị.

Phá cách để đãi ngộ người giỏi

Thưa giáo sư, nguồn để tạo nên đội ngũ làm toán kế cận cũng không hẳn là thiếu. Vấn đề là nhiều tiến sĩ toán của ta được đào tạo ở nước ngoài nhưng  khi về nước làm việc họ không có thời gian nghiên cứu mà phải đi dạy thêm, đi luyện thi ĐH…

Thực trạng này là do chế độ trả lương của chúng ta. Lương chính thức  của giáo sư ở các trường ĐH công rất thấp. Không hiểu ngân sách thiếu thốn đến mức không thể trả được lương đủ sống cho các giáo sư hay phân bổ tiền không khoa học? Trong khi đó một số trường tư lại trả được mức lương khá cao cho người giảng dạy.

Nhiều người cho rằng để tăng nguồn lực trả lương cho giảng viên các trường ĐH nên nỗ lực khai thác ở những kênh khác, chẳng hạn thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng, giáo sư nghĩ sao?

Nếu làm được như vậy cũng rất hay. Nhưng ta cũng cần đề phòng. Vấn đề là sản phẩm làm ra có phải là lúc nào cũng  thành quả khoa học mới  mẻ không, hay chỉ là ứng dụng công nghệ? Về lâu về dài thì vẫn rất cần các đầu tư dài hơi từ chính phủ hay các công ty lớn cho các ngành nghiên cứu cơ bản.  Ở Mỹ chẳng hạn, kinh phí cho hệ thống ĐH công chủ yếu dựa vào chính phủ bang và liên bang. Công bằng mà nói, lương trung bình của  giáo sư ở các nước phương Tây cũng không cao, so với mức sống ở nước sở tại. Lương khởi điểm của một kỹ sư làm cho một hãng tên tuổi có thể gấp đôi lương của một giảng viên mới có bằng tiến sĩ. Nhưng quan trọng là dù không cao, mức lương đó đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Với những người đã theo đuổi nghiệp nghiên cứu thì bắt đầu như vậy là đủ.

Một trong nhiều nguyên nhân khiến lương giáo viên thấp là do nguồn ngân sách hạn hẹp. Giáo sư thử vận dụng các công cụ toán ứng dụng của mình để giúp chính phủ làm một bài toán về lương, vừa phù hợp quỹ lương của nhà nước vừa thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm?

Đây là một câu hỏi lớn và rất khó có câu trả lời ngắn gọn. Lương là một bài toán chung của cả xã hội chứ không riêng gì ngành sư phạm hay khoa học. Sự vô lý trong hệ thống lương ở nước ta dẫn đến nhiều bất cập. Chẳng hạn như bổng nhiều hơn lương. Nhưng một khi bổng nhiều hơn lương thì thu nhập đã không phụ thuộc vào mức cống hiến nữa, mà còn vào nhiều yếu tố khác. Bổng lộc đi liền với chức vụ, không khó gì để suy ra những tiêu cực có thể xảy ra từ đó.

Nếu môt trường ĐH có được sự độc lập về tài chính,  thì bằng mọi cách, kể cả dùng những đãi ngộ rất đặc biệt,  họ sẽ tìm cách mời các nhà chuyên môn giỏi về với mình, vì chỉ có những người đó mới có thể giúp cho ngôi trường tồn tại và phát triển. (Tất nhiên ở đây tôi giả sử, một cách hơi lãng mạn, là lãnh đạo trường sống chết với nó). Đó là động lực tạo ra sự cạnh tranh về tay nghề, kiến thức giữa các cá nhân, và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường học. Nước Mỹ, với cách làm đó, đã và đang thu hút được chất xám từ khắp nơi trên thế giới. Nếu nhiều nước trả lương theo thâm niên hay học hàm thì ĐH  Mỹ trả lương theo năng lực.

Cần phân chia tiền hợp lý

Chi phí cho giáo dục của mỗi người dân hiện nay rất lớn, trong khi học phí rất thấp – đặc biệt là bậc phổ thông. Chẳng hạn học sinh Hà Nội phải đi học thêm là phổ biến mà phí học thêm không hề rẻ. Tiền học thêm một buổi (90 phút) của một học sinh phổ thông thường gấp đôi tiền học phí một tháng mà em đó phải đóng cho các trường phổ thông công lập, đó là chưa kể những lớp học thêm đặc biệt mà học phí mỗi buổi của mỗi học sinh là hàng trăm đến hàng triệu đồng. Giáo sư nghĩ sao về hiện tượng này?

Đúng là ở Việt Nam số tiền xã hội và cá nhân đóng góp vào việc học ở phổ thông rất lớn, nếu tính theo phần trăm thu nhập của người dân. Trong trường phổ thông, do lương cơ bản thấp nên nói chung các giáo viên đều phải dạy thêm.  Thật ra đây  là một cách xã hội tự cân bằng. Xét về lợi ích của người đi học thì bản thân việc học thêm không có ý nghĩa nhiều khi mà ai cũng đi học thêm giống nhau. Về thực chất nó giống như việc học sinh phải nộp thêm một khoản học phí khác, nhưng thay vì nộp cho nhà trường thì  nộp trực tiếp cho các giáo viên.

Nếu ta tạo được điều kiện cho sự tự cân bằng đó diễn ra một cách qui củ hơn, thì sẽ có lợi cho cả người dạy và người học.  Tiền sẽ được phân bố đều hơn. Còn trẻ con đỡ được cái cảnh học thêm ngày đêm và bố mẹ suốt ngày phải chạy vạy đưa đón.

Người Mỹ có một cách tương đối hữu hiệu để vận hành các trường phổ thông. Để có nguồn kinh phí nuôi một ngôi trường, người ta thu thuế của những người sống trên địa bàn trường đóng. Nếu bạn có một ngôi nhà ở thị trấn X thì hàng năm bạn sẽ phải đóng một khoản thuế (trung bình độ 3% giá trị của ngôi nhà) cho chính quyền địa phương. Khoản này hoàn toàn riêng biệt với thuế thu nhập phải đóng cho chính quyền bang và liên bang.  Số tiền thu được được chính quyền địa phương (cỡ tương đương một phường hay một xã ở Việt Nam) dùng cho mọi chi phí trong vùng, trong đó chủ yếu là chi phí giáo dục. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, chính quyền địa phương sẽ tìm mọi cách tiêu số tiền này một cách hữu hiệu nhất. Thuê các giáo viên giỏi, hay tu sửa lại trường lớp. Tiền thuế phải đóng cũng tăng và giảm tuỳ theo hàng năm, theo mức chi phí.

Như vậy người dân trực tiếp đóng góp cho việc học của con em mình, cũng như ở Việt Nam, nhưng không phải trả trực tiếp cho giáo viên (thông qua đi học thêm) mà thông qua chính quyền địa phương. Được cái là cách vận hành của chính quyền địa phương của họ đơn giản và minh bạch, vì đây là cơ quan gần dân nhất. Tất cả các khoản thu – chi hàng năm, thậm chí hàng quý được gửi đến cho từng người dân để xem và để có ý kiến. Nếu công trình nào quá tốn kém, dân cả vùng sẽ đi họp và bỏ phiếu. Cơ quan địa phương làm việc có trách nhiệm, chi tiêu dè sẻn và không có tham nhũng. Những địa phương tôi từng ở qua có rất nhiều ngôi nhà riêng rất đẹp, nhưng cái trụ sở chính quyền lại là một ngôi nhà nhỏ và khiêm tốn. Có nơi ngay cả văn phòng phẩm họ cũng mua bút chì chứ không mua bút bi để tiết kiệm. Nhưng cái gì họ cũng có và hồ sơ được lưu trữ rất tốt, muốn tìm giấy tờ gì cũng khá dễ dàng.

Một khi trường học đã tốt, thì những người sống trong vùng cũng hưởng lợi rất nhiều. Ngoài việc con em họ được hưởng thành quả trực tiếp, bản thân giá trị bất động sản trong vùng có thể tăng lên rất đáng kể.

Với chính sách thu thuế để đầu tư cho giáo dục như vậy thì một người có nhà trên địa bàn mà không có con cái trong độ tuổi học phổ thông vẫn phải đóng góp?

Đúng vậy. Rất nhiều gia đình khi con cái đã học xong phổ thông, bố mẹ sẽ chuyển đi ở nơi khác, tới một ngôi nhà nhỏ hơn với mức thuế thấp hơn. Vùng nào có nhà máy, có công ty lớn đóng thì những đơn vị đó phải đóng thuế tương đối nặng. Nhờ thế  người dân trong vùng đó được giảm thuế mà trường học vẫn tốt. Tất nhiên, trong mô hình này, sự chênh lệch lớn giữa những thành phố nghèo và những thành phố giàu là điều không tránh khỏi. Ở những vùng mức sống còn thấp, thì ở bất kỳ nước nào, kinh phí của chính phủ đóng vai trò chủ yếu.

Cảm ơn giáo sư Vũ Hà Văn

Quý Hiên thực hiện

(Theo Tiền Phong)

Tagged as: ,

Categorised in: Tiền cho giáo dục, Vai trò của xã hội dân sự

11 bình luận »

  1. Bao gio cho o Viet Nam cung duoc nhu vay? Cac nha hoach dinh, cac nha lanh dao khong biet bao gio ho moi nghi den dieu do?!

    BT: Đề nghị bạn gõ đủ dấu cho tiếng Việt.

    Thích

  2. 1.Ở VN,đặc biệt ở vùng nông thôn,vùng núi,vùng cao,hải đảo,dân ta còn nghèo.Muốn có 10 nghìn đồng cho con mua quyển vở,cái bút,…cũng phải chở thóc đi bán.Đa phần người dân ở nông thôn là như vậy.Ở thành thị thì khấm khá hơn;cũng tùy từng nhà,nhà nào bố mẹ làm ăn buôn bán giỏi hay có chức sắc lãnh đạo thì tiền bạc cũng dư dả,còn nhà nào bố mẹ làm công nhân,làm thuê làm mướn thì cũng tất bật cả ngày mới lo đủ bữa ăn,chi tiêu cũng eo hẹp.
    2.Thầy cô nào giỏi thì nhiều học sinh,phụ huynh phải xin xỏ mãi mới được tham gia học thêm cơ.Thu nhập trung bình vài triệu/ngày.Họ xứng đáng và cũng không nên cấm họ dạy thêm.Vì thầy,trò đều có lợi.Còn lại những giáo viên trung bình-khá mà làm khó dễ,ép học sinh của mình học thêm thì nên trị tận gốc.Chất lượng kém lắm.Chỉ vì lợi nhuận thôi.Càng dạy học trò càng dốt mà lại tốn tiền.Ở một trường THCS tại Can Lộc-Hà Tĩnh,có giáo viên thi khảo sát chất lượng chỉ đạt vài điểm/10 mà cũng cho đứng lớp dạy.Số này không ít.
    3.Theo tôi,nên có những cuộc thi giống như thi đại học để thanh lọc lại tất cả những giáo viên đứng lớp,chỉ cần thi nghiệp vụ sư phạm và môn học họ dạy thôi để xem chất lượng ra sao.Thi trượt thì đi xin trường dân lập,trường tư mà dạy.Không xin được thì ôn thi lại.Sau đó,căn cứ vào nguyện vọng dạy ở trường nào,ở huyện nào,tỉnh nào của từng giáo viên và cứ lấy từ cao đến thấp cho hết chỉ tiêu.Bộ phải chủ trì và thực hiện,giám sát việc này.Không thể để cho mấy Sở,phòng giáo dục tuyển được.Mấy ông này nói một đàng làm một nẻo thôi.Tìm đâu ra những giáo viên vào ngành giáo dục mà không đút lót tiền?Hiếm lắm.

    Thích

    • Cứ thực hiện giải pháp như Chú Ly thì kể cả Thủ đô cũng khối GV mất dạy chứ chẳng chơi,chú có biết một thời – hiện nay vẫn tồn đọng nhiều – sư phạm đào tạo GV 9+ không, một số giáo viên này sau đó hàm thụ thêm, nâng đời thành cao đẳng rồi đại học, kể cả thạc sĩ nữa nha.
      chú cứ muốn đốt cháy giai đoạn – cho khéo bị bỏng nặng đó. Mà hiện nay lớp trẻ có còn hứng thú với ngành sư phạm đâu,loại đội ngũ cổ đi lấy tân nào thay thế?!

      Thích

      • Ý tôi là thanh lọc lại tất cả những giáo viên đứng lớp trước đó,đồng thời những ai có nhu cầu đứng lớp mà chưa có tiền để xin vào dạy.Không có năng lực phải đào thải thôi.Đào thải một cách công khai,công bằng và minh bạch.Không thể lẫn lộn như hiện nay được.Nếu bạn không tin, cứ về Hà Tĩnh mà xem.Đầy rẫy những giáo viên thi khảo sát chất lượng chỉ đạt vài điểm/10 mà cũng cho đứng lớp dạy.Tiền hay tình đây?

        Thích

      • Cả thế hệ 9+ và 12+ cao đẳng,12+ đại học và cả 12+ thạc sỹ đó bạn ạ.Tôi không nói riêng 9+ đâu.

        Thích

  3. Vấn đề GD hiện nay ngoài cái tâm, cái tầm của các “Nô bộc của dân” ra, cốt lõi phải là từ cái “Tế bào xã hội” ấy. Một số tích cực – con học giỏi nhưng ngèo quá không có tiền đi học tiếp, tưởng ai cũng đi làm thêm để vừa học vừa làm đâu, việc làm thì ít người thì đông – đẻ quá nhiều mà.
    Hầu hết còn lại là tiêu cực: con nhà giàu thì bố làm ra tiền rồi cần chi phải học nữa, chỉ học cho bố mẹ thôi, nếu có học thực chobanr thân là để xuất ngoại làm được nhiều tiền hơn bố; con nhà ngèo thì …. trời ơi … đua đòi, a dua, ăn chơi hoặc chỉ vì cái thành viên được mệnh danh là bố – làm được bao nhiêu tiền đều nướng vô cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút hít … mà không được ăn học đến nơi đến chốn.
    Và cuối cùng mọi tội lỗi, mọi cái gọi là “mất thuần phong mĩ tục” đều đổ cho ngành GD – bởi vì trăm sự nhờ thầy.
    tuy nhiên cũng như chú Daingu, bọn trẻ nó còn hào hứng với ngành Sư phạm nữa đâu,có chăng khả năng chen vào các ngành “béo bở” không có nên mới đi cho ngành có nghề.
    Một số khi học song có khả năng thì không có bố làm to nên chịu, còn lại những giáo sinh có gia cảnh “ưu tú” (bố mẹ có “tai tiêng” hoặc có cô dì chú bác quan hệ rộng), chuyên môn chẳng ra gì – vì có thích học đâu, thì được đi làm – bỏ thêm những con sâu vào bát canh GD cho thiên hạ đỡ lo là nấu phải rau không sạch.
    Thế còn các “Bác có thẩm quyền” ngậm tiền chạy chọt thì ra sao, chẳng may “bề trên” tra ra thấy có sai phạm thì – sai thì sửa – em có đòi đâu họ tự tay đưa đến đó chứ – chung quy lại là do dân gian, (ở đời không có lỗi lầm gì cũng chính là một điều lỗi với dân, với nước), và sửa thế nào đây: Bác nghĩ ra lắm mưu nhiều kế để tham nhũng của dân em bầu Bác lên trên cao để có khắc tinh chống lại bọn tham nhũng cho yên lòng con dân … Chán chẳng muốn chết!

    Thích

  4. Khó khăn nhất vẫn là …..tư duy giáo dục…chứ không phải tại tiền nhiều hay ít ! Từ cái hiểu biết về giáo dục , về nhân cách làm người để sống nên hệ lụy phải vậy .Khi mà môi trường xã hội chỉ có Tiền và quyền là hai chuẩn mực giá trị sống còn ,được tôn trọng tuyệt đỉnh thì ông thầy làm gì có chổ đứng ? Gia trị nhân cách con người rẻ rúm quá thì sự học cũng chỉ là cái chứng chỉ nghề để tìm việc làm thồi ? Vậy thì có nhiều cách tìm việc làm dể hơn nữa có khi không cần học ………..Bác Văn có cái nhìn đúng từ cái hiện tượng sống của ông thầy vì đồng lương thấp ,nhưng nói thật ! tôi cũng là thầy giáo đây ,điều đau nhất là bị coi thường !Bởi vì cái lý tưởng sống hiện nay chỉ có tiền và quyền , hết . Mọi giá trị chỉ là ..xa xí phẩm …
    Có cách nào để cứu vản không ? Có , nhưng khó vì ngành giáo dục như cố bé 15 tuổi đã làm mẹ , bây giờ phải đi làm , đi học và nuôi dạy con !

    Thích

  5. Tiền chi cho GD bị thất thoát trong việc quản lý của ngành GD. Nếu tiền học được công khai thì chứng tỏ nó được dùng một cách minh bạch và ngược lại. Nếu học phí được đóng đủ để bộ máy nhà trường hoạt động (người thầy đủ sống) thì thày và trò đều có thể ngẩng cao đầu khi nói về lương tâm, đạo đức. Để người thày thiếu thốn khi chi phí học tập vẫn là gánh nặng cho người học. Đó là tội lỗi lớn của cơ quan ôm trách nhiệm quản lý GD.

    Thích

  6. Em đang bức xúc vụ thợ làm hệ thống nước nhưng do họ thiếu kiến thức và cả tay nghề nên làm hỏng cả nhà luôn. Cũng may là bên Phương Tây hầu hết đều có luật lệ nên muốn sống hay làm việc thì ai cũng phải tuân thủ luật, thế nên vợ chồng em có bực thật nhưng cũng không uất ức vì trước sau khì công lý cũng không để mình thiệt, chỉ bị bạc thêm nửa mái đầu thôi! hic

    Quay lại chủ đề chính: em rất yêu đất nước và con người Việt Nam ta, nên ở xa em vẫn theo dõi những chuyển biến trong xã hội và sự ảnh hưởng đối với người dân. Vào đọc tin em hay bắt gặp những tít về đổi mới, cải cách, chiến lược, kỳ vọng vv….., nhưng buồn thay, nhìn đâu trong xã hội VN cũng thấy có vấn đề. Ý định đổi mới thì tốt thật, nhưng khả năng và tài năng, cũng như trình độ nhận thức của số đông nhân dân và cả các cấp lãnh đạo đến đâu thì vẫn là dấu hỏi. Vậy cứ làm tới, cứ cải cách đổi mới XH mà con người chưa chuẩn bị tư tưởng, chưa được trang bị một nếp suy nghĩ mới, một thói quen làm việc theo pháp luật, có kỷ cương, sống có đạo đức, học để tu dưỡng bản thân, thì em nghĩ đất nước ta sẽ không đi lên theo sự tiến bộ Văn mInh của thế giới được! Không khác gì việc sửa hệ thống nước tồi do không có tay nghề, hoặc lầm tưởng mình có tay nghề, thì không những làm hỏng thêm tường, sàn nhà, rồi đồ đạc, mà còn nguy hiểm hơn hết là làm nước gặp điện rồi chập thì nhà thành tro luôn, hic.
    Một Thí dụ đơn giản là vấn đề giáo dục mầm non. Ai lại các trường mầm non công lập thi đua đạt danh Hiệu Chuẩn Quốc Gia, nhưng lại để cho các Cô giáo có quyền đánh các cháu nhỏ. Còn các trường tư thì thi đua về thu lệ phí. Vợ chồng em bên này gửi con đi trẻ tư cũng vẫn ít tiền hơn mấy trường tư ở VN, mà Họ chăm các cháu tận tâm hơn cả chính mình.
    Ngay từ nhỏ, vấn đề con người ở một xã hội Văn minh rất được coi trọng! Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định, luật lệ, cũng được giáo dục từ nhỏ. Hai vấn đề này có liên quan mật thiết với nhau và góp phần to lớn để đưa xã hội đi lên. Ở bên Đức, ngay từ nhỏ trẻ được dạy rằng khi vấp ngã, khóc kêu đau, được bố mẹ và Cô xoa dịu, nhưng phải tự mình đứng lên. Có nghĩa là, mình làm mình chịu, mình tự rút kinh nghiệm. Đến tuổi được theo cô hay bố mẹ đi chơi xa bằng Phương tiện công cộng thì chúng được dạy cách mua vé, rồi tự dập vé hẳn hoi. Hoặc qua ngã ba, có đèn đường, cho dù không có bóng xe ô tô nào thì người lớn cũng không được chạy qua đường trước sự có mặt của trẻ, để làm gương cho trẻ. Tấ cả những Thí dụ này tiêu biểu cho một nếp sống Văn minh, nếp sống có tránh nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, điều hầu như hiếm thấy trong xã hội, nhà trường và gia đình ở VN. Ngay cả em đây, cũng đã từng đánh con, chỉ vì muốn con viết đẹp nhất lớp, nhưng rồi em cũng hối hận, biết sửa sai lúc này vẫn chưa muộn. Gia đình nhỏ của em sống ở Đức, một xã hội công nghiệp, tuy Thỉnh thoảng cũng có tin giết người cướp của, nhưng đếm trên đầu ngón tay và không có nhan nhản như trên vnexpress đâu. Họ rất kỷ luật, đúng giờ, chăm chỉ, nói là làm, và quan trọng hơn cả là Họ làm sai thì Họ nhận lỗi và Sửa lỗi! (Ghi chú thêm là mấy tay thợ sửa nhà em không phải người Đức, hihi). Họ rất biết luật nên cũng sợ luật và chấp hành nghiêm chỉnh! Có việc ông chủ tịch CLB bóng đá FC Bayern tên là Hoeness có thời kỳ nghiện casino mà chẳng ai biết, ông ta thua là chính, nhưng vì không khai thuế cả lời và lỗ mà nay khi lộ ra, cả nước lẫn chinh phủ, các phe phái chính trị đưa ra phê bình trước quốc hội và cả xét xử trước toà. Càng là người có danh thế càng phải làm gương cho dân theo. Câu này ở VN ta ai cũng thuộc, nhưng thử hỏi, các ông bố bà mẹ đã gương mẫu trong mọi mặt để con cái noi theo chưa? Cấp trên có làm việc nghiêm túc, Chí công vô tư để cấp dưới noi theo chưa? Các thầy các Cô đã bao giờ dạy học sinh là học để thành con người tốt, có đạo đức, hiểu biết, chưa, chữ không phải để cuối năm tổng kết số lượng học sinh giỏi chiếm bao nhiêu phần trăm và nằm trong báo cáo lên tới Sở, tới Bộ giáo dục rằng đã đạt chỉ tiêu, rồi nhận bằng khen!
    Thế nên, em có ý kiến thế này: cải cách đổi mới là tốt, nhưng phải ngay thẳng, thật lòng, thành tâm, chứ không phải là theo mốt, là theo xu hướng thế giới vv… Trước tiên ai cũng nên làm bản kiểm điểm bản thân, xem mình nên bỏ thói xấu gì, khắc phục nhược điểm nào, rồi mới nghĩ và hành động tiếp. Ai ai từ người già đến trẻ nhỏ, từ người học cao đến ít học, người giàu đến người nghèo, đều tự kiểm điểm mình thành thật, trước là để Hoàn thiện mình, sau là để làm gương cho người khác xung quanh, thì chắc chắn, nước Việt Nam ta sẽ ĐƯỢC THAY ĐỔI TÍCH CỰC, ở mọi ngành, chứ không phải mỗi ngành giáo dục! Còn không thì bế tắc lắm ạ! Tăng lương chỉ là chính sách hỗ trợ giáo viên, còn để tăng chất lượng giáo dục Cần có một sự thay đổi hoàn toàn về mục đích và ý nghĩa của giáo dục. Điều này lại chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng ạ!

    Thích

    • Xin phép tóm gọn lại. Đó chỉ là sự khác nhau giữa thật và giả. Không có hy vọng gì, nếu chưa có sự thật trong tâm và càng thất vọng hơn nếu những lời nói trong đó chưa có sự thật.

      Thích

  7. Hôm nay, tình cờ tôi mới thấy bài này được đăng lại trên Học thế nào, xin có một bình luận nhỏ về câu của nhà báo Quý Hiên : “Một trong nhiều nguyên nhân khiến lương giáo viên thấp là do nguồn ngân sách hạn hẹp”. Tôi đã từng viết đâu đó rồi (không nhớ rõ, mà cũng không cần phải tìm ra lần trước viết ở đâu), rằng lập luận này hoàn toàn không đúng.

    Bên cạnh việc quản lý không minh bạch, lãng phí, tham nhũng, mà có bạn đã nói, tôi nghĩ rằng trước hết phải nhấn mạnh việc ngân sách nhà nước – tức tiền thuế của dân – phải trang trải cho một đội quân ăn bám hết sức lớn (đảng viên, đoàn viên, thành viên các tổ chức như “MTTQ”, Hội Phụ nữ, công an chính trị, tuyên giáo…- tôi nói tới những đảng viên, đoàn viên “chuyên trách”, chứ không nói tất cả). Bình thường ra, đảng viên, đoàn viên, thành viên các hội đó phải là người góp tiền (nguyệt liễm, tiền ủng hộ) cho đảng, hội của mình hoạt động – có nghĩa là những đảng viên, đoàn, hội viên “chuyên trách” chỉ ăn lương từ quỹ thu được qua các nguồn riêng của tổ chức của mình. Trong khi ở ta, ngân sách phải chi cho họ, bảo sao không “hạn hẹp”? Không giải quyết chuyện đó, tôi không tin rằng có thể giải quyết được tiền lương cho giáo dục, y tế v.v.

    Một câu hỏi tiếp theo : Đã bao giờ tất cả các khoản chi của nhà nước được công khai bàn cãi trong Quốc hội – kể cả ngân sách quốc phòng, công an (dù có thể có một số hạn chế) ? Bao nhiêu tướng, tá so với các vị trí trách nhiệm của GD, Y tế, Xã hội…, chênh lệch thu nhập thế nào? Tôi không nói rằng cần phải trả cho họ ít hơn GS, bác sĩ…, nhưng nếu không minh bạch, không được các đại biểu QH thảo luận công khai thì câu “ngân sách hạn hẹp” là vô nghĩa, đúng hơn là một câu được đưa ra nhằm che giấu sự thật (về ngân sách), mà nhà báo thì không có quyền đưa ra những câu khẳng định dối trá như vậy.

    Dĩ nhiên, trả lời thế thì chắc báo Tiền Phong chẳng thể đăng được, nhưng đó vừa là “chuyện khác”, vừa không phải không liên quan !

    Thích

Bình luận về bài viết này

Nhập địa chỉ email để nhận thông báo có bài mới từ Học Thế Nào.