How We Learn

Học như thế nào – Ngô Bảo Châu

Ngo

Tôi rất hay được các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh hỏi về “bí quyết học tập”.  Tôi thường trả lời “Không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê.” Trả lời như vậy là một cách né tránh. Không sai nhưng cũng không đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi mình chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề này một cách thấu đáo. Nhưng không thể nào né tránh được mãi câu hỏi này. Cũng không thể nào trút hết trách nhiệm lên đầu người khác bằng cách nói: “đây là chuyện chuyên môn của những người làm công tác nghiên cứu khoa học giáo dục”.

Điểm lại cuộc đời mình, tôi thấy cho đến thời điểm này mình không làm gì khác ngoài việc đi học, sau đó dạy học và nghiên cứu khoa học. Trong quá trình ấy, chắc tôi cũng đã từng có những suy nghĩ riêng. Chỉ có điều những suy nghĩ đó chưa bao giờ được được sắp xếp lại một cách hệ thống và được diễn đạt một cách mạch lạc. Chuẩn bị cho buổi nói chuyện này là cơ hội rất tốt để tôi làm việc này, cái việc mà phải thú thật là rất vất vả nhưng hy vọng là có ích.

Tôi xin cảm ơn International Peace Foundation và trường Đại học bách khoa đã cùng tổ chức sự kiện này. Cảm ơn tất cả các quí vị, các bạn sinh viên, học sinh đã đến dự buổi nói chuyện ngày hôm nay. Sự quan tâm của quí vị là động cơ mạnh để tôi hoàn thành bài trao đổi này.

Dàn bài của tôi dựa vào ba câu hỏi. Thứ nhất: cái gì là động cơ căn bản cho việc học tập. Thứ hai: học chữ hay học làm người? Thú thực là tôi không thích câu hỏi này, vì nó rất mập mờ và đa nghĩa. Nhưng tôi sử dụng chính tính đa nghĩa của nó để triển khai thành các câu hỏi nhỏ xung quanh việc học cái gìCâu hỏi cuối cùng làm thành nhan đề của bài nói chuyện này: học như thế nào? Tôi không có tham vọng đưa ra câu trả lời thấu đáo, đầy đủ cho cả ba câu hỏi trên, mà chỉ có ý định sắp xếp lại những suy nghĩ tản mạn của mình thành những câu trả lời không cầu toàn. Tôi hy vọng rằng vào cuối buổi nói chuyện, chúng ta sẽ còn thời gian để trao đổi thêm.

Về sự hướng thượng và hướng thiện

Sách Tam Tự Kinh mà các cụ học ngày xưa bắt đầu bằng câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người được sinh ra có bản tính vốn là hiền lành. Liệu có đúng không nhỉ ? Tin tức hàng ngày dễ làm cho người ta nghi ngờ cái “tính bản thiện” của “nhân chi sơ”. Đầu tháng Một ở Ấn độ, một cô gái 23 tuổi bị sáu người đàn ông hãm hiếp đến chết trên một chiếc xe buýt. Cuối tháng Một, ở Bắc Ninh, người ta nô nức, chen lấn nhau tham gia lễ hội chém lợn. Con lợn bị nhát đao xẻ làm hai mảnh lăn quay trong vũng máu lênh láng và trong tiếng hò reo của những người trảy hội. Đây là những hiện tượng dị biệt, không tiêu biểu cho cuộc sống của người dân Ấn độ và Việt nam. Tôi nêu chúng ra như ví dụ vì chúng cùng phản ánh sự độc ác của con người một cách vô cùng rõ nét. Xét cho cùng, giết lợn cũng chỉ là việc giết động vật để ăn thịt, cái mà con người buộc phải làm để duy trì cuộc sống của chính mình. Hãm hiếp cũng nảy sinh từ một bản năng cơ bản của con người là bản năng duy trì nòi giống. Phải chăng, con người được sinh ra với hai bản năng cơ bản duy trì cuộc sống và duy trì nòi giống, cái mà ở  trong đó đã có sẵn mầm mống của cái ác, của cái ác khủng khiếp. Nếu chỉ dừng lại đây thì quả khó mà tin được vào cái “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Nếu con người được sinh ra chỉ có hai bản năng nói trên thì chắc rằng hai sự việc kể trên sẽ không phải là những hiện tượng dị biệt, mà ngược lại, là phổ biến, đến mức không làm chúng ta kinh ngạc hay xúc động nữa. Có thể tôi còn là một người lạc quan, nhưng tôi tin rằng con người được sinh ra còn có một bản năng khác nữa: đó là bản năng hướng thượng, hướng thiện. Nhìn vào một đứa trẻ sơ sinh, xinh xắn như một thiên thần ta có thể nghĩ rằng đó là hiện thân của sự tốt đẹp. Nhưng cái kiểm soát mọi hành động của đứa trẻ là chỉ đơn thuần bản năng sinh tồn của nó. Tôi nghĩ rằng, trong đứa trẻ không có sẵn một tâm hồn cao thượng, nhưng đã có sẵn tiềm năng để xây dựng nên từ đó cái tâm hồn ấy. Theo tôi, nếu có “tính bản thiện” của “nhân chi sơ”, thì nó chính là cái tiềm năng ấy.

Cái tiềm năng ấy được triển khai trong học tập và là động cơ chính cho việc học tập. Có thể có người không đồng ý với quan điểm này và cho rằng học là để sau này có một cuộc sống tử tế, để sau này có một vị trí tốt trong xã hội. Tôi cho rằng cách suy nghĩ như vậy là phiến diện. Thứ nhất, để có một cuộc sống tử tế, đó cũng chính là biểu hiện của sự hướng thượng, hướng thiện – tất nhiên một khi nó đã biến thái để nhắm tới cái đích là hưởng thụ một cuộc sống an nhàn nhờ vào sức lao động của người khác, thì cái động cơ hướng thượng hướng thiện đó đã bị tha hoá nghiêm trọng. Thứ hai, tôi tin rằng đa số người ta thực ra không có khả năng phấn đấu vì một cái gì xảy ra trong một tương lai quá xa, phần lớn người ta học chỉ vì đó là cách hoàn thiện bản thân mình, tức là học với một động cơ hướng thượng thuần khiết nhất. Vì vậy, nhiều khi chính quan niệm xã hội lại làm tha hoá một động cơ mà bản chất là thuần khiết.

Cần lưu ý là quan niệm xã hội không phải là cái duy nhất làm cho sự hướng thượng hướng thiện bị tha hoá. Tôn thờ cá nhân, có thể là lãnh tụ, danh thủ bóng đá, hay là ca sĩ Hàn quốc, là một hình thức tha hoá của sự hướng thượng. Bản năng hướng thượng, hướng thiện luôn phải vật lộn với hàng loạt bản năng xấu: tính lười biếng, tính đố kỵ, tính gian dối, tính hiếu thắng, tự phụ. Bị tha hóa, nó không còn mấy cơ hội để làm động cơ cho việc học tập.

Học chữ hay học làm người?

Gần đây, trên báo chí có khá nhiều người ở đặt ra câu hỏi “Cần học chữ hay học làm người?” Hoặc giữa hai cái, cần học cái nào trước. Câu hỏi này thực ra tối nghĩa. Học chữ, là tiếp thu kiến thức. Còn học làm người là như thế nào, hẳn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có thể hiểu theo nghĩa hẹp: học làm người như học kỹ năng sống, học nghệ thuật sống, tóm lại là học những hành vi văn minh.  Cũng có thể hiểu học làm người theo nghĩa rộng tức là học những gì làm nên cốt cách của một con người – như vậy thì lại quá rộng, và bao hàm nốt cả học chữ rồi. Có lẽ vì ý nghĩa của câu hỏi không được phân tích rạch ròi mà nhiều cuộc thảo luận trên báo chí về đề tài có cái vẻ gì đó hơi luẩn quẩn.

Trong cái nghĩa hẹp, có thể đặt lại câu hỏi trên khác đi, và làm cho nó rõ nghĩa hơn: “Trường học phải dạy chữ hay dạy kỹ năng sống, nghệ thuật sống?” Có vẻ như càng ngày càng có nhiều người ngả về quan điểm hiện đại “Trường học phải dạy cho trẻ kỹ năng sống”.  Quan điểm cổ điển được nhà triết học Đức Hannah Arendt phát biểu rành rọt trong bài viết “Khủng hoảng trong giáo dục” như thế này: “Chức năng của nhà trường là dạy cho trẻ thế nào là thế giới, chứ không phải là rèn cho chúng nghệ thuật sống”. Tôi đồng ý với quan điểm này, và trong phần tiếp theo của bài viết quan điểm này sẽ được làm rõ hơn lên.

Ẩn trong câu nói của bà Hannah Arendt, có cả câu trả lời cho câu hỏi học làm người theo nghĩa rộng. Học làm người là học về thế giới, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người, để mỗi cá nhân nhận thức được vị trí của mình ở trong đó, nhận thức hết các tương tác giữa cá nhân mình với những người khác, để triển khai mọi tiềm năng của mình, để hoàn thiện mình và đồng thời làm cho thế giới xung quanh trở nên một nơi an toàn hơn, thân thiện hơn cho cuộc sống.

Để trẻ có kỹ năng sống, người lớn phải là tấm gương

Tôi từng nghe người ta kể chuyện một đứa bé sơ sinh bị sói tha đi. Sau này người ta tìm lại được đứa bé. Tuy vẫn còn hình hài của một con người, tính nết của nó là tính nết của loài sói. Ở đây, chính cái “tiềm năng hướng thượng, hướng thiện” đã biến nó thành người sói. Đối với nó, cái đại diện cho sự tốt đẹp chính là mẹ sói của nó. Mẹ sói cho nó bú, tha mồi về cho nó ăn. Đứa trẻ lớn lên giữa bày sói tất trở thành một con sói, cái nó coi là tốt là cái tốt của loài sói. Kể ra nếu nó tiếp tục sống trong rừng cùng với bày sói thì như thế cũng không sao. Bi kịch đến với nó vào cái ngày mà người ta buộc nó quay lại sống với con người.

Ở Lào, ở Thái Lan có phong tục gửi trẻ nhỏ vào sống ở trong chùa một thời gian, từ ba ngày, ba tuần, ba tháng cho đến ba năm. Ở trong chùa, ngoài việc học kinh kệ, trẻ còn học yêu quí cuộc sống thanh đạm, ngăn nắp của người tu hành. Khi đi thăm Lào và Thái Lan, người ta luôn cảm thấy ngạc nhiên về sự sạch sẽ, ngăn nắp của làng quê, kể cả ở những nơi nghèo nhất.

Tôi xin phép dẫn thêm một ví dụ cá nhân, nhỏ nhặt và tầm thường thôi. Vợ chồng tôi ít xem vô tuyến, hầu như không xem bao giờ. Có lẽ vì thế mà mấy đứa con của chúng  tôi hoàn toàn không có sở thích xem truyền hình, bố mẹ không cần cấm đoán hay hạn chế gì cả. Nếu có thời gian, chúng nó thích đọc sách hơn. Nhiều khi tôi muốn xem phim cùng với đám trẻ con, tôi lại phải mặc cả với chúng.

Những ví dụ này nhắc nhở chúng ta, những người có bổn phận làm người lớn, đừng bao giờ quên rằng dù muốn hay không muốn, chúng ta luôn là tấm gương để cho trẻ soi vào. Ngoài trách nhiệm cho trẻ một mái nhà, cung cấp thức ăn cho đủ no, quần áo cho đủ mặc, người làm cha mẹ luôn phải tâm niệm rằng mình cư xử ngày hôm nay như thế nào, ngày mai trẻ sẽ cư xử giống như thế. Đó là bài học của chuyện cái máng gỗ mà chắc các bạn đều biết cả.

Cái tôi muốn nói là nếu người lớn biết cư xử đúng mực thì trẻ con không cần đi học những lớp kỹ năng sống nữa. Và người có trách nhiệm chính trong việc giáo dục hành vi cho trẻ là cha mẹ, gia đình, chứ không phải nhà trường. Những bài lên lớp của thầy cô giáo không có cùng tác dụng nhiều lên hành vi của đứa trẻ như chính hành vi của cha mẹ nó.

Tất nhiên tôi không muốn nói rằng trường học hoàn toàn không có chức năng giáo dục hành vi cho trẻ nhỏ. Trong tâm hồn trẻ nhỏ, thầy cô giáo có một vị trí thiêng liêng, có lẽ thiêng liêng hơn bố mẹ, vì thế nên cách ứng xử của các thầy cô trong cuộc sống nhà trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp hành vi của học sinh. Nhưng không vì thế mà cha mẹ có thể trút toàn bộ trách nhiệm giáo dục hành vi của trẻ lên vai thầy cô giáo.

Vai trò của giáo dục nhân văn trong sự hình thành nhân cách

Khi đứa bé mới ra đời, bản năng sinh tồn điều khiển mọi hoạt động của nó. Đối với nó, toàn bộ thế giới là bầu sữa mẹ. Khi lớn lên, nó có thêm nhận thức về thế giới xung quanh, về những con người khác. Dần dần nó hiểu rằng không chỉ có nó cần sinh tồn, mà cả những người khác cũng cần sinh tồn như nó. Điều này thoạt nghe thật hiển nhiên, nhưng đó là một bước chuyển hoá vĩ đại của tư duy, đứa trẻ đã chấp nhận sự tồn tại của khách thể, của người khác, như một lực lượng đối lập với bản thân nó.

Chấp nhận sự tồn tại của khách thể là điều kiện để phân biệt giữa cái thiện và cái ác. Cái thiện là sung sướng trong sự hạnh phúc của người khác, đau khổ trong sự bất hạnh của người khác, còn ngược lại cái ác là sung sướng trong sự bất hạnh của người khác, đau khổ với sự hạnh phúc của người khác. Như vậy, khi đứa trẻ còn chưa nhận thức về người khác, theo nghĩa ở trên, các khái niệm thiện và ác chưa thể áp dụng vào nó. Thêm nữa, khái niệm “người khác” không nhất thiết phải là người. Đó có thể là con ong, cái kiến. Đó cũng có thể là con lợn ở Bắc Ninh. Cái cảm giác phấn khích, hân hoan của con người trong cái chết tức tưởi của con lợn biểu đạt cái ác ở trạng thái thuần tuý nhất của nó.

Việc học, theo Hannah Arendt, đó là cố gắng để hiểu thế giới xung quang, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người. Nó bắt người ta phải nhận thức về sự tồn tại của người khác, cái là điều kiện để phân biệt giữa thiện và ác. Chỉ biết phân biệt thiện và ác thôi không đủ. Có một câu ngạn ngữ nói rằng “Đường đến địa ngục lát bằng thiện tâm”.  Biết phân biệt rành rọt giữa thiện và ác là cần thiết nhưng sẽ thật thiếu sót, thậm chí nguy hiểm, nếu coi việc hình thành nhân cách chỉ đơn giản là phân biệt giữa thiện và ác. Trong phần lớn các trường hợp, vấn đề không phải là ở chỗ phân biện giữa thiện và ác.

Để nhận thức được vị trí của mình trong thế giới, mỗi người phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi căn bản nhất về thân phận con người, phải tự tìm ra câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó, hoặc ít ra cũng biết về những câu trả lời mà tiền bối đã từng đưa ra. Việc phân biệt giữa cái thiện và cái ác là một trong những câu hỏi như thế, nhưng nó không phải là câu hỏi duy nhất và có lẽ cũng không phải là câu hỏi quan trọng nhất.

Có những câu hỏi thoạt nghe thì có vẻ ngây thơ ví dụ “Những cái gì là nhu cầu căn bản của con người? Tự do và công bằng có phải là như cầu căn bản của con người hay không”. Con người có cả nhu cầu sống trong cộng đồng, trong xã hội, vì mỗi người không thể làm ra được hết tất cả những gì mình cần. Nếu tự do và công bằng cũng là nhu cầu căn bản thì xã hội phải được thiết kế thế nào để cho tự do của mỗi người và sự công bằng giữa người này và người khác được bảo đảm? Triển khai câu hỏi đến đây thì ta thấy câu hỏi này phức tạp hơn nhiều so với câu hỏi phân biệt giữa cái thiện và cái ác, và có lẽ cũng quan trọng hơn.

Trả lời cho câu hỏi về vai trò của giáo dục nhân văn nói chung vượt ra ngoài khuôn khổ của bài nói chuyện này và khả năng của tôi.  Trong phần tiếp theo, tôi muốn thu hẹp câu hỏi lại và trao đổi kỹ hơn về vai trò của giáo dục nhân văn trong sự hình thành nhân cách.

Cơ chế căn bản cho việc hình thành nhân cách là chiêm nghiệm về một sự việc cụ thể đã xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể, ngẫm xem người ta đã quyết định như thế nào, đã làm gì, và hậu quả, ảnh hưởng của việc đó lên cuộc sống của người khác và của chính người đó như thế nào. Có thể thấy rằng con người chiêm nghiệm bằng xúc cảm nhiều hơn là bằng tư duy. Người ta chiêm nghiệm sâu sắc nhất về những gì xảy ra với chính mình, hoặc là xảy ra với người thân của mình, vì những trải nghiệm đó để lại những xúc cảm mạnh nhất.  Nhưng nói chung, trải nghiệm của một người trẻ, kể cả những trải nghiệm được gia đình chia sẻ, không đủ phong phú để người đó hình thành một nhân cách vững vàng. Vốn trải nghiệm của anh ta sẽ giàu có hơn nhiều, nếu anh ta biết đặt mình vào trong lịch sử, nơi những câu chuyện của quá khứ được ghi lại một cách trung thực, hoặc là trong văn học, nơi có những câu chuyện lớn, tuy có thể là được hư cấu, nhưng luôn xuất phát từ sự trải nghiệm chân thực của nhà văn.

Trong một bài viết trên blog cá nhân, đặt tên là Giữ ký ức, tôi có kể câu chuyện về học sinh phổ thông ở Đức học về tội ác của chế độ quốc xã lên người Do thái như thế nào. Học sinh Đức học ở trong sách vở, đọc nhật ký của cô bé Anne Frank viết khi trong thời gian hai năm trốn trong góc tủ để rồi cuối cùng cũng bị bắt rồi bị giết. Họ đi tham quan trại tập trung Buchenwald. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn cả là học sinh Đức còn phải tự đi điều tra xem xung quanh nơi mình ở, trước đây đã từng có người Do thái nào sống, họ tên là gì, họ đã bị bắt trong hoàn cảnh nào, đã bị giết chết như thế nào. Làm như thế để cho những trải nghiệm trở nên gần gũi nhất. Một vài tháng sau khi viết bài này, tôi có nói về chuyện với một nhiếp ảnh gia người Đức, ông ấy nói người Đức phải làm như thế vì nếu không họ sẽ lại phạm lại đúng những sai lầm khủng khiếp nhất trong quá khứ. Giáo sư Hà Huy Khoái cũng bình luận như thế này: “Người Đức khôn thật, họ cho học sinh học thuộc bài lịch sử! Dân tộc nào không làm điều đó, chắc chắn phải học đi học lại nhiều lần. Chưa thuộc bài nào, lịch sử sẽ bắt học lại bài đó. Mà mỗi lần học lại, thi lại đều phải trả giá đắt hơn trước. Giá ở đây có thể là máu, không chỉ là tiền như sinh viên thi lại!”.

Tôi nghĩ về câu chuyện này từ một khía cạnh khác. Trải nghiệm chân thực về những sự thật dù đau đớn đến mấy cũng làm cho cốt cách con người trở nên mạnh mẽ, trái với những sự dối trá, có thể ngọt lịm, nhưng luôn làm tha hoá tâm hồn con người. Chức năng của giáo dục nhân văn không phải là ngợi ca cái thiện, phê bình cái ác mà là giúp con người tìm đến sự thực và để cảnh giác với sự dối trá của người khác và của chính mình. Cảnh giác với bản năng lười nhác, ích kỷ và hèn nhát, những cái rất giỏi ngụy trang trong tấm áo thiện tâm để dắt tay con người đi về địa ngục, cái không phải là gì khác mà chính là sự tha hóa hoàn toàn của tâm hồn con người. Giáo dục nhân văn nghiêm túc rèn cho chúng ta thái độ nỗ lực không mệt mỏi trong cố gắng đi tìm sự thật cùng với khả năng chiêm nghiệm bằng tư duy vì nếu chỉ chiêm nghiệm bằng xúc cảm, con người rất dễ bị đánh lừa.

Tôi đã nhắc đến chuyện bản năng hướng thượng hướng thiện của con người rất dễ bị tha hoá để trở thành hiện tượng sùng bái cá nhân, có thể xuất hiện dưới dạng là sùng bái lãnh tụ hoặc ca sĩ Hàn quốc. Vai trò của giáo dục nhân văn là dắt tay con người đi theo “tấm biển chỉ đường của trí tuệ” để đi về với cái chân thiện, chân mỹ.

Ngôn ngữ và thái độ khoa học

Nếu bản năng hướng thượng, hướng thiện là động cơ của học tập, nó không phải là công cụ. Con người biểu đạt sự hiểu biết về thế giới khách quan bằng lời. Con người thụ hưởng vốn hiểu biết mà nhân loại tích tụ được thông qua ngôn ngữ. Có hai thái độ ứng xử với ngôn ngữ đối lập nhau, dẫn đến hai phương pháp tư duy đối lập nhau: một bên là thái độ tôn giáo, coi ngôn từ như đối tượng để tôn thờ, một bên là thái độ khoa học, coi ngôn từ như một công cụ để định hình tư tưởng.

Định nghĩa chữ Đạo trong Đạo Đức Kinh là điển hình của thái độ tôn giáo đối với ngôn từ. Đạo được mô  tả như thế này, như thế kia, Đạo không phải là thế này, không phải là thế kia, nhưng không một lần Đạo được định nghĩa là cái gì. Đạo là một từ đại diện cho một khái niệm linh thiêng không định nghĩa được, người ta chỉ có thể biết thuộc tính của nó là như thế này, như thế kia, cùng lắm là biết nó không phải là cái gì, tức là hạn chế khái niệm bằng phủ định, chứ không thể nói nó là cái gì, tức là định nghĩa khái niệm bằng khẳng định.  Tính linh thiêng của chữ Đạo nằm chính ở chỗ ta không thể định hình được nó.

Tôi dẫn ví dụ Đạo Đức Kinh không với ý muốn đánh giá thấp giá trị triết học của tác phẩm này. Tôi chỉ muốn chỉ ra sự đối lập với giữa thái độ tôn giáo của nó đối với ngôn ngữ và thái độ khoa học. Thái độ tôn giáo với ngôn ngữ đưa đến những luận điểm bao quát, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, con người cũng có thể vận dụng chúng để diễn giải những gì xảy ra với mình, và tự an ủi mình. Mà trên đời này, ai là người không cần được an ủi.

Đóng góp lớn nhất của văn hoá Hy lạp cổ đại cho tư duy loài người có lẽ là sự phát minh ra thái độ khoa học với ngôn ngữ mà điển hình là sách Cơ sở của Euclid. Để nói về hình tròn, người ta không nói nó là cái gì đó giống mặt trời, hay mặt trăng vào thời kỳ trăng tròn, mà người ta định nghĩa đường tròn là tập hợp các điểm có một khoảng cách cho trước đến một điểm cho trước, gọi là tâm của đường tròn. Cái đáng lưu ý nhất là khái niệm luôn được xây dựng trên cơ sở khẳng định: nó là cái gì, chứ không phải trên cơ sở phủ định: nó không phải là cái gì.

Cũng cần lưu ý là ở đây đường tròn không được gán cho bất kỳ một thuộc tính thiêng liêng nào cả, nó chỉ là cái tên đưa ra để định hình khái niệm tập hợp các điểm có khoảng cách cho trước đến một điểm cho trước. Thậm chí trong thực tế, không có cái gì chính xác là hình tròn cả, chỉ có những hình tròn gần đúng mà thôi. Các định nghĩa của Euclid chỉ có giá trị giới hạn trong phạm vi của hình học. Theo một nghĩa nào đó, hình học là một sản phẩm thuần tuý của trí tuệ, là một trò chơi của tư duy. Giá trị lớn nhất của trò chơi này nằm ở ngay trong sự hạn chế của nó. Vì luật chơi bao gồm một số tiên đề, và một số phép suy luận được quy định trước, một phát biểu hình học chỉ có thể hoặc là đúng, hoặc là sai, một chứng minh chỉ có thể là đầy đủ chặt chẽ hoặc là thiếu sót ngộ nhận.  Đây là cuộc chơi mà tư duy logic của con người được tha hồ thi thố. Cho đến bây giờ nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa đó. Để cho trẻ học được phương pháp lập luận chặt chẽ, không có gì tốt hơn là học hình học Euclid.

Ưu điểm của trò chơi tư duy mà trong các luật chơi được cố định trước là trong phạm vi của cuộc chơi này, mọi cái đúng cái sai đều rõ ràng. Ưu điểm quan trọng khác là con người có thể rút ra kết luận rõ ràng chi tiết từ hệ thống tiên đề và khái niệm, để rồi đem nó ra kiểm chứng, đối chiếu với quan sát thực tế.

Ở điểm này, thiên hướng của khoa học khiêm tốn hơn nhiều so với thiên hướng của tôn giáo. Những luận điểm của tôn giáo thường có tính khái quát cao, nhưng không có tính chi tiết để có thể kiểm chứng đối chiếu được qua các quan sát thực tế. Trong mọi trường hợp tôn giáo yêu cầu người ta phải tin và phải chấp hành. Ngược lại, lý thuyết khoa học đưa ra những luận điểm đủ cụ thể để có thể kiểm chứng với thực tế và dành cho thực tế quyền phán xét cuối cùng. Sự khiêm tốn, luôn đặt mình vào vị trí để cho thực tế phán xét, hoặc khẳng định, hoặc phủ nhận, theo Karl Popper chính là thuộc tính đặc trưng của khoa học, đối lập với tín điều.

Sự khiêm tốn này cũng chính là cái làm nên sức sống của khoa học. Tôn giáo sẽ chết khi con người không còn đặt lòng tin vào tín điều nữa. Còn trong bản chất của mình, luận điểm khoa học chấp nhận sự phủ định, nó như chỉ chờ được thực tế phủ định để hồi sinh, lột xác thành một lý thuyết khoa học mới, phức tạp hơn, có phạm vi ứng dụng rộng hơn lý thuyết cũ.

Trong bản chất, mọi lý thuyết khoa học chỉ mô tả được một phạm vi nào đó của thế giới, lý thuyết càng thô sơ thì phạm vi áp dụng của nó càng hẹp. Đi ra ngoài phạm vi đó là bắt đầu một cuộc chơi mới, con người lại phải sáng tạo một hệ thống ngôn ngữ, khái niệm mới, tìm ra một luật chơi mới.  Nhưng không phải vì thế mà lý thuyết cũ nhất thiết phải bị thủ tiêu khi một lý thuyết mới ra đời. Trong phạm vi cuộc sống hàng ngày, khi các vật thể chuyện động chậm hơn nhiều so với ánh sáng, cơ học Newton vẫn đúng.

Người đi tìm hiểu thế giới gần như bắt buộc phải đi lại gần như toàn bộ hành trình tìm hiểu thế giới của loài người. Đây là cái khó khăn rất lớn. Đã có một số quan điểm sai lầm trong giáo dục muốn bỏ qua những lý thuyết khoa học trước đây để đưa học sinh đến với những lý thuyết tiên tiến nhất. Ở phương tây những vào những năm 70 đã có trào lưu xây dựng lại toàn bộ giáo trình toán học dựa theo cách trình bày toán học hiện đại của nhóm Bourbaki. Kết quả của thí nghiệm đại trà này không tốt. Cảm nhận chung là trình độ toán học của học sinh tốt nghiệp phổ thông kém đi nhiều.

Gần đây, con lắc cực đoan có vẻ như bị văng theo hướng ngược lại. Người ta muốn lược đi khỏi chương trình tất cả những gì được coi là không cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi ý kiến của một vị Giáo sư cho rằng học sinh không cần học vi phân, tích phân vì hàng ngày có ai cần dùng đến vi phân, tích phân đâu. Nhưng chính là nhờ vào thiên tài của Newton và Leibnitz, các hiện tượng tự nhiên được mô tả một cách tường minh dưới dạng phương trình vi phân. Loại bỏ đi đạo hàm tích phân có khác gì tự nguyện quay lại với tư duy mơ hồ của siêu hình trung cổ.

Vấn đề không phải đem những kiến thức khoa học tiên tiến nhất đến cho học sinh, vì có muốn cũng không làm được. Vấn đề cũng không phải là tập trung rèn luyện cho học sinh kỹ năng tính toán để phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày. Cái cần làm trang bị cho học sinh phương pháp tư duy khoa học: định hình rõ nét khái niệm, liên hệ những khái niệm đó với thế giới khách quan, biết lập luận, biết tính toán để đưa ra những luận điểm cụ thể, kiểm chứng những luận điểm đó với thế giới khách quan.

Còn một thuộc tính khác của một khoa học có sức sống là khả năng đem đến sự bất ngờ. Hình học Euclid không còn khả năng đưa ra những khẳng định bất ngờ nào nữa và theo nghĩa này, nó là một môn khoa học chết. Nó chỉ còn là một trò chơi trí tuệ để học sinh rèn luyện khả năng tư duy logic. Nhận định của Einstein rằng tia sáng bị uốn cong khi đến gần các vật thể có khối lượng lớn nhờ vào những tính toán trong lý thuyết tương đối là một bất ngờ khi trong hình dung của chúng ta, đường thẳng là đường truyền của ánh sáng. Sức sống của một bộ môn khoa học thể hiện ở chỗ từ một hệ thống khái niệm, tiên đề chấp nhận được, bằng tính toán và lập luận, người ta có thể đưa ra những giải thích chưa biết cho những hiện tượng đã biết, hoặc là tiên đoán về những hiện tượng chưa được biết đến.

Khi khoa học “nhận nhiệm vụ” diễn giải, chứng minh cho một luận điểm cho trước, để phục vụ một mục đích chính trị hoặc tôn giáo, bất kể mục đích đó tốt hay xấu, về mặt thực chất khoa học đã mất đi cái làm nên sức sống của nó.  Vấn đề “nhận nhiệm vụ” ảnh hưởng nhiều đến khoa học xã hội hơn là khoa học tự nhiên. Như một số người đã nhận xét, ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, các ngành khoa học tự nhiên có thể rất phát triển trong khi các ngành khoa học xã hội để lại rất ít dấu ấn vào văn minh nhân loại. GS Hà Huy Khoái có lần phát biểu nửa đùa nửa thật “Thực chất, ở Việt Nam chưa có khoa học xã hội”. Phát biểu của ông đã gây ra những phản ứng khá dữ dội. Nói một cách khách quan hơn, nó có đấy, nhưng nó yếm khí và thiếu sức sống.

Học như thế nào?

Ngày xưa để học được chữ thánh hiền, cái quan trọng nhất là cần có chí. Cái chí để đi bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn mà đọc sách thâu đêm. Trong công việc học tập bây giờ, trong việc tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại tưởng như vô hạn, chỉ có chí thôi chắc là không đủ.

Như tôi vừa trình bày ở trên, khoa học không bị cái bệnh tự phụ coi những luận điểm của mình đúng một cách tuyệt đối, đúng một cách phổ quát. Mỗi lý thuyết khoa học được khai triển bằng tính toán, bằng lập luận từ một số nhỏ khái niệm, một số tiên đề cơ sở. Mỗi lý thuyết có logic nội tại của nó, nó không tự mâu thuẫn, nhưng những kết luận mà người ta rút ra từ nó chỉ khớp với thực tế khách quan trong một phạm vi nào đó. Theo một nghĩa nào đó, mỗi lý thuyết là một trò chơi trí tuệ, với luật chơi được xác định rõ ràng mà trong đó người chơi có thể triển khai khả năng tư duy của mình để đi đến những kết quả nhiều khi nằm ngoài sự mong đợi ban đầu.

Rất ít khi người ta chơi trò gì một mình.  Để cho cuộc chơi thực sự cuốn hút, để cho người chơi có thể thực sự triển khai mọi tiềm năng tư duy của mình để đi đến những kết quả bất ngờ, đi đến sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn chơi và phải có trọng tài. Để minh hoạ quan điểm này, tôi xin đưa ra một gợi ý nhỏ, nhưng rất nghiêm túc.

Nhờ vào internet, hiện tại người ta có thể tìm được miễn phí rất nhiều tài liệu học tập miễn phí ở trên mạng. Một số trường đại học có tên tuổi như MIT, Stanford còn tổ chức công bố miễn phí hầu hết các tư liệu học tập. Thay bằng việc phải bỏ ra 50 ngàn đô-la một năm để đến đó học, mà không phải cứ có 50 ngàn đô-la là đã được nhận vào học, bạn có thể truy cập miễn phí các tư liệu học tập, theo dõi các bài giảng video. Vậy có đúng là bạn cứ ngồi ở Hà nội, hay Sài gòn, là cũng có thể học như sinh viên ở MIT hay ở Stanford hay không.

Tôi nghĩ rằng trừ khi bạn có một ý chí sắt đá, dù có được cung cấp tất cả mọi tài liệu trên đời, dù dược theo dõi miễn phí các bài giảng, ở nhà một mình bạn vẫn không thể học được. Bởi vì ngồi theo dõi bài giảng trên mạng một mình không phải là một cuộc chơi thú vị: không có địch thủ, không có đồng đội, không có lộ trình, không thấy mục tiêu, không thấy giải thưởng. Đó là những thứ không liên quan trực tiếp đến nội dung khoa học của bài giảng nhưng đó là cái mà người đi học cần để phấn đấu liên tục. Học một mình, bạn có thể tập trung cao độ trong một hai ngày cho đến một tuần. Nhưng bạn cần có tập thể, có lớp học, có thầy giáo để duy trì nỗ lực học tập.

Gợi ý của tôi là tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học theo giáo trình được cung cấp trên mạng. Tại sao không thể dùng trực tiếp bài giảng, tư liệu học tập cung cấp miễn phí trên mạng trong các lớp học chính khoá. Các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi nữa, mà có thể cho sinh viên xem bài giảng trên mạng, có thể làm trước phụ đề tiếng việt, sau đó dành thời gian để giải thích thêm, trả lời câu hỏi của sinh viên, và hướng dẫn làm bài tập. Và cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc. Tất nhiên gợi ý thì dễ, mà làm thì khó, nhưng tôi không tin là việc này không thể làm được. Kinh phí để tổ chức lớp học như thế có lẽ là không nhiều lắm, nếu so sánh với học phí 50 ngàn đô la một năm ở MIT hay Stanford.

Với gợi ý có tính suy tưởng này, tôi hy vọng làm nổi lên được sự quan trọng của việc tổ chức học tập. Học tập là một hoạt động tập thể và có tổ chức. Như đã nêu ở trên, thiếu một tập thể có tổ chức, con người nói chung không có khả năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn dẫn đến cái đích là sự bế tắc. Bản tính con người là hiếu thắng, cái cần thiết để tạo ra sự sôi động trong tranh luận, những cũng là cái làm hỏng cuộc tranh luận, biến nó thành chiến trường để người này đè bẹp người kia. Vì vậy trong mọi cuộc chơi tập thể cần có một luật chơi lành mạnh để cho sự cạnh tranh chỉ tạo ra nỗ lực để mỗi người vượt lên chính mình, chứ không phải là cái cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng. Và cuộc chơi cần một người trọng tài, nắm vững luật lệ và có thẩm quyền điều khiển cuộc chơi. Ngoài ra, chính những ràng buộc của luật chơi bắt người chơi phải vươn tới sự sáng tạo thực sự.

Tôi để ý thấy người ta phá bỏ luật chơi dễ dàng quá. Tôi xin dẫn một ví dụ nhỏ là việc viết thư giới thiệu. Viết thư giới thiệu là một công việc khá vất vả mà lại không thể mong đợi phần thưởng gì khác ngoài cảm giác hoàn thành bổn phận. Để giới thiệu cho một đồng nghiệp vào một vị trí phó giáo sư, hay giáo sư, thường thì người giới thiệu phải tìm hiểu kỹ công trình của người mình giới thiệu để chỉ ra chỗ nào hay, chỗ nào đặc sắc, chỗ nào thì cũng chỉ bình thường, và nêu ra ý nghĩa chung của công trình. Không viết được đầy đủ nội dung như vậy, thì lá thư giới thiệu không có mấy trọng lượng, mà người viết thư giới thiệu lại có thể bị đánh giá, hoặc là về sự nghiêm túc, hoặc là về trình độ. Viết thư là một việc rất vất vả, mà không có ai khen ông này ông kia viết thư giới thiệu rất hay, vì trên nguyên tắc thư giới thiệu được giữ bí mật. Tóm lại, viết thư giới thiệu là một việc vất vả, không có bổng lộc, nhưng lại cần phải làm để ủng hộ một người đồng nghiệp xứng đáng, hoặc chỉ đơn thuần là để thực hiện bổn phận của mình. Viết thư giới thiệu cho sinh viên cũng mất công, nhưng không vất vả như viết thư giới thiệu cho đồng nghiệp.

Có một lần, một sinh viên mà tôi đã từng dạy ở Hà nội nhờ tôi viết thư giới thiệu.  Khi tôi còn đang do dự vì tôi đánh giá bạn ấy không thực sự xuất sắc, thì anh ta gửi cho tôi một bức thư giới thiệu soạn sẵn để tôi chỉ việc ký vào đó. Khi tôi tỏ ra vô cùng ngạc nhiên về cách làm này, thì bạn ấy trình bày là các thầy giáo khác yêu cầu bạn ấy làm như thế. Một số người có thể coi đây là việc nhỏ, nhưng tôi nghĩ chính từ những chuyện nhỏ như thế sẽ làm tha hoá cả hệ thống.

Khi chuẩn bị bài nói chuyện này, ý định của tôi là chia sẻ những suy nghĩ tản mạn của mình về việc học tập, chứ không định phê bình ai cả, càng không có ý định phê bình nền giáo dục ở nước ta. Đã có nhiều người chỉ ra rất nhiều bất cập, tôi không thấy cần thiết phải hoà thêm tiếng nói của mình vào đó. Nhưng nếu chỉ nêu ra một vấn đề, vấn đề lớn nhất, thì theo tôi đó là mức độ tha hóa của hệ thống.

Xin quay lại sự kiện Đồi ngô mà các bạn đều đã biết cả. Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, vì chuyện thí sinh quay phim giám thị vi phạm qui chế thi là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Đây là một câu chuyện rất buồn, nó phải là tiếng chuông cảnh tình về mức độ tha hoá của hệ thống. Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân nào mà hãy bình tâm suy nghĩ. Để cho một việc như vậy xảy ra, phải có nhiều người từ trung ương đến địa phương, ở trong và ngoài ngành giáo dục, đã không tôn trọng luật chơi. Kết quả là kỳ thi tốt nghiệp, cái đáng ra phải là một thủ tục mang tính nghiêm cẩn, phải là một cái mốc thiêng liêng cho cả quá trình lao động học tập của học sinh, lại trở thành một trò đùa, một trò đùa làm chúng ta muốn khóc.

Nước Mỹ có thể tự hào về những trường đại học của mình. Các đại học ở Mỹ thường là tương đối trẻ, trường đại học Chicago nơi tôi làm việc cũng mới khoảng 100 tuổi, đồng niên với Đại học quốc gia Hà nội. Có lẽ cũng phải trả lời câu hỏi, cái gì là “bí quyết thành công” của họ. Vào thời điểm hiện tại thì ta có thể nói rằng lý do thành công của họ là họ rất giàu, có nhiều giáo sư giỏi, có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại. Nhưng nói như thế là nhầm lẫn giữa kết quả và nguyên nhân. Ban đầu, họ không giàu, mà cũng không có nhiều người thực sự xuất sắc nếu so với cái trường đại học ở châu Âu vào cùng thời. Tuy không có một câu trả lời duy nhất, nhưng một nguyên nhân chắc chắn được nhắc đến là tinh thần fair-play, mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị một cách vô cùng nghiêm khắc.

Tôi cho rằng sự trung thực là một hành vi khó mà học được từ trong sách vở. Để trẻ học được tính trung thực, trước hết người lớn cũng phải học tính trung thực, để tự biết mà làm gương.

Tôi đã nói nhiều về sự cần thiết của việc tổ chức học tập, tính kỷ luật và tính trung thực. Nhưng bạn có thể thắc mắc rằng tại sao tôi nói về trường học mà cứ như là nói về doanh trại quân đội.

Tính kỷ luật và trung thực tất nhiên là không đủ. Cái còn thiếu chính là “niềm say mê” mà tôi nhắc đến lúc bắt đầu.  Say mê đi tìm cái mới, cái chưa biết, tìm lời giải thích cho những gì còn chưa hiểu.  Niềm say mê đi từ đâu đến? Thú thực là tôi không biết chắc chắn, và vì thế mà tôi giả sử rằng con người sinh ra với một bản năng hướng thượng, nói cách khác là đã có sẵn trong mình mầm mống của niềm ham mê. Tôi nghĩ rằng thực ra câu hỏi niềm ham mê sinh ra từ đâu không quan trọng bằng làm thế nào để gìn giữ niềm ham mê, và không để cho nó bị tha hoá. Niềm đam mê, tính hướng thượng hướng thiện là động cơ cho việc học tập, và chính việc học tập đích thực là cái nuôi dưỡng sự hướng thượng hướng thiện bởi những giá trị nhân văn chân thiện, chân mỹ, bởi tình yêu sự thật, và bởi niềm hạnh phúc của sự khám phá,  để vượt qua biên giới giữa những gì đã biết và những gì chưa biết.

Một người bạn tôi có góp ý với tôi rằng bên cạnh niềm ham mê, đừng quên bổ sung sự quả cảm. Sự quả cảm là cái bạn cần để không để lười biếng, hèn nhát dụ dỗ mà quay lưng lại với sự thật. Sự quả cảm cũng là cái bạn rất cần khi đi tìm cái mới. Bạn có tập thể, có đồng đội để cùng học tập, tiến bộ. Nhưng dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng khi đã vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự đuổi theo cái chưa biết, bạn rất cần tính quả cảm vì đi tìm cái mới thường là một hành trình cô đơn, và nó có thể kéo dài nhiều năm.

Lời cảm ơn

Xin chân thành cảm ơn các ông Bùi Đức Lại, Nguyễn Xuân Long, Hoàng Hồng Minh và Nguyễn Phương Văn về những góp ý quí báu.

Tài liệu tham khảo

1. Hannah Arendt: La crise de l’éducation:    http://www.meirieu.com/COURSPHILO/textephilo4.pdf

2. Ngô Bảo Châu: Giữ ký ức: thichhoctoan.net/2013/01/16/giu-ky-uc/

3. Hà Huy Khoái: Muốn có ứng dụng, phải có lý thuyết: vnn.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2006/04/562806/

Nguồn : Tia sáng

Ảnh: Peter Badge

Tagged as:

Categorised in: Nghĩ về việc học và dạy, Triết lý

87 bình luận »

  1. Anh Châu nói tới những khái niệm như tính bản thiện, học chữ hay học làm người, nhân cách, niềm say mê…vân vân. Nhưng liệu rằng tư duy như vậy đã không chứng tỏ được tính đúng đắn, bó hẹp trong cái cũ, sa đà vào lý luận phân tích, không thoát khỏi “thái độ khoa học” và nhất là…không hiện sinh.

    Ý của tôi khi nói “hiện sinh” là gì? Ý của tôi là gắn với cuộc sống, trần trụi và thiết thực nhất có thể. Như vậy, tôi không có ý phản đối bởi tôi đồng tình với cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học của anh Châu. Tuy vậy, tôi muốn chia sẻ một góc nhìn mới, mà theo tôi là bổ sung thêm với những điều như trên.

    Thứ nhất, kiến thức và ý thức của nhân loại cho tới thời điểm này đã đủ để công nhận tính liên kết tương hỗ của vạn vật với nhau – interconnectedness hay interdependence. Như vậy, mỗi cá nhân là sản phẩm của tạo hóa, là một cá thể có ý thức. Cuộc sống của mỗi cá nhân cần phải hòa hợp và đồng điệu với tự nhiên. Nếu làm được điều đó, mỗi cá nhân sẽ tận hưởng cuộc sống, vui vẻ, tự nhiên và đóng góp cho Sự Tồn Tại bằng tình yêu và tính cá nhân đặc biệt của mình. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng: giáo dục là để khai mở tiềm năng sẵn có trong mỗi cá nhân, để họ có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi tin rằng, không còn một mục tiêu nào cao cả và bình dị hơn nữa.

    Thứ hai, giáo dục phải được xem là một môi trường mang tính nuôi dưỡng, chứ không phải là một hệ thống học thuật, lý thuyết hay quy tắc. Bởi dù ít dù nhiều, một hệ thống dù đẹp đến đâu đều mang tính áp đặt, mô hình chung sẽ cản trở tính sáng tạo. Chúng ta cần nhìn nhận lại sự phát triển của trẻ thơ. Tôi tin rằng, trẻ nhỏ vốn dĩ không có nhiều kiến thức, nhưng chúng gắn kết chặt chẽ với tự nhiên, đắm chìm trong trí thông minh và kinh nghiệm được tích lũy trong tiềm thức và vô thức. Cách tiếp cận mới nên là theo hướng khai phá – “draw out”; chứ không phải là phải là nhồi nhét, cung cấp kiến thức – “stuff in”.

    Với hai điểm trên, như vậy tôi đã sơ lược qua ý kiến của mình về cách đổi mới tư duy về giáo dục. Mà tóm gọn ở đây, chỉ là rằng: chúng ta thay đổi tư duy của mình trước, trước khi tìm cách để làm mới giáo dục. Tuy vậy, nếu không có thêm một bảo bối nào khác ngoài hiểu biết và nhận định, thế hệ chúng ta chắc chắn sẽ rất khó khăn và hầu như nắm phần thất bại. Vì thế, tôi xin được nói một điểm nữa.

    Điểm thứ ba, và cũng là cuối cùng, tôi chỉ muốn nói 2 từ: ĐỊNH TÂM. Cuộc sống là một dòng chảy đầy biến động. Chúng ta có thể cung cấp một nền giáo dục tốt nhất có thể, nhưng ai mà biết được ngày mai sẽ thế nào? Hơn thế nữa, giáo dục sẽ là vô nghĩa nếu bỏ một đống tiền ra và thu về những thứ mà biết chắc rằng sẽ không tồn tại được mãi mãi – tôi muốn ngụ ý kỹ năng và kiến thức. Triết lý ở đây là, nâng cung lên cao thì sẽ đánh trúng đích. Hay, tôi muốn nói rằng giáo dục cần phải chú trọng vào nâng cao tâm thức của mỗi cá nhân. Hãy làm sao, để chỉ cần đến độ tuổi 15, khi cả nam và nữ đã đến độ chín trong phát triển sinh lý, các em đã có được sự định tâm, ý thức về tính cá nhân và mang trong mình một nhân sinh quan hướng thiện.

    Để làm được như vậy, chỉ cần đưa THIỀN ĐỊNH vào giáo dục từ nhỏ. Ý thứ ba này tôi nghĩ sẽ gặp những hoài nghi và phản đối không ít, nhất là trong tình trạng nhận thức về khoa học tâm thức và triết lý sống của phần lớn chúng ta còn thấp. Tôi đề nghĩ, những cá nhân có tâm và tài, hãy tự trau dồi thêm cho mình về vấn đề này. Tôi hy vọng, các anh các chị sẽ có nhiều sự chia sẻ với tôi hơn về THIỀN ĐỊNH trong giáo dục.

    Giáo dục sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không thể đem tới cho mỗi cá nhân một định hướng để họ tự tìm lấy tình yêu – lòng tốt – cái đẹp. Bởi như vậy, giáo dục đã không gắn với cuộc sống nữa rồi, nó sẽ không khác nào một cái kim tự tháp. Giáo dục cần phải trở thành một giếng nước, không khí và đất, để con người vin nào nó để tự cân bằng và phát triển theo cách riêng.

    Nhân loại đang đứng trước một ngã rẽ, cách mạng sắp tới sẽ là cách mạng tâm thức, và nó sẽ không diễn ra một cách đại chúng, nó sẽ mang tính cá nhân, nhưng sẽ sức lan truyền vô cùng mạnh mẽ. Tôi có nhớ Einstein đã từng nói rằng, “Để giải quyết một vấn đề, người ta cần một tâm thức ở tầng cao hơn”. Theo tôi, nó rất đúng, đặc biết là với khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam.

    Thích

    • Cách tiếp cận “khai phá” như bác nói thực ra không mới đâu, đó chính là phương pháp “vấn-đáp” (dialectic, từ vấn-đáp tôi học được từ bài của ông Nông Duy Trường) của Socrates. Socrates cho rằng, mỗi người đã có sẵn trí khôn trong mình, nhưng bị một màn “vô minh” phủ lên trên. Vấn đáp là đặt ra câu hỏi để người trả lời tự rũ cái màn vô minh phủ lên trí khôn của mình. Cá nhân tôi thì không lạc quan như ông Socrates về trí khôn của con người.

      Tôi không hoàn toàn tán thành với bác về việc đưa Thiền định vào giáo dục. Theo tôi, một vai trò chính của giáo dục là giúp đứa trẻ trở thành một con người tự do sống giữa và tôn trọng cộng đồng bao bọc nó. Phải có trải nghiệm với cuộc sống cộng đồng và xã hội rồi, con người mới có nhu cầu quay lại với chính mình, quay lại với trạng thái mà người ta tin rằng thượng đế , hay thiên nhiên đã nhào nặn ra người ta. Chưa có trải nghiệm tôi e rằng các suy tưởng thiền định sẽ mang màu sắc lý thuyết, và có phần áp đặt.

      Bản thân Đức Thích Ca cũng trải qua ngần ấy giai đoạn, thưa bác Đạo.

      Đã thích bởi 1 người

    • Đúng cháu ủng hộ đưa Thiền Định vào trường học.Nó vừa tốt cho sức khỏe( nhất là não bộ), dẹp bỏ sự ích kỷ,sợ hãi(bản ngã), mang hạnh phúc thực sự cho chúng ta. Cháu muốn hơn thế nữa là các vị lãnh đạo phải là những vị giác ngộ(không bị bản ngã điều khiển). Chỉ cần sau 4-5 năm áp dụng thì đất nước sẽ thay đổi rõ rệt. Thực sự thì chỉ có những con người giác ngộ mới mang lại hình thái Cộng Sản Chủ Nghĩa, chứ không phải là sự giàu có tư bản.Có một điều quan trọng là trong một cộng đồng luôn có tương tưởng về sự dư giả, đầy đủ ( tức là tiêu dùng đúng theo nhu cầu sống chứ không phải theo ham muốn của bản ngã) thì các KH-KT sẽ tạo ra sự thịnh vượng, hạnh phúc thực sự cho cộng đồng đó. Đã đến lúc mọi người biết mình là ai? không phải chết là hết (như Marx nói). Chúng ta thực sự là những phần nhỏ của thượng đế đầy đủ quyền năng, không giới hạn.

      Thích

  2. Ngoài lề, tôi muốn nói rằng, quan niệm về giáo dục mang tính uốn nắn là không thuận với tự nhiên. Có bao giờ bạn thấy một đứa trẻ ra đời mà hung dữ và không thiện không? Chỉ có một giáo dục sai, và cuộc sống khó khăn mới đẩy người ta đến chỗ bất thiện. Và tôi nghĩ rằng, chính quan niệm “uốn nắn” đã làm hỏng tất cả.

    Thích

  3. Sao không đưa thiền định vào trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, vào các mối quan hệ, gia đình cũng như đồng nghiệp, xã hội … ? Đấy mới là vị trí đúng đắn của Thiền, nếu chỉ đưa vào giáo dục có lẽ sẽ là khiếm khuyết, và không đem lại hiệu quả đầy đủ. Mà Thiền thì chỉ có Thiền Phật giáo là đúng đắn nhất. Để có Thiền không cách nào khác là phải học giáo lý nhà chùa, phải phổ biến Phật Pháp một cách rộng rãi, phải đấu tranh với cái tôi.

    Thích

  4. “Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi ý kiến của một vị Giáo sư cho rằng học sinh không cần học vi phân, tích phân vì hàng ngày có ai cần dùng đến vi phân, tích phân đâu. Nhưng chính là nhờ vào thiên tài của Newton và Leibnitz, các hiện tượng tự nhiên được mô tả một cách tường minh dưới dạng phương trình vi phân. Loại bỏ đi đạo hàm tích phân có khác gì tự nguyện quay lại với tư duy mơ hồ của siêu hình trung cổ.”

    Em lại không đồng tình ở quan điểm này của anh Châu. Tích phân, vi phân đúng là cần thiết cho những mathematicians tương lai nhưng còn với các nhạc công, hoạ sĩ, đầu bếp, diễn viên,… thì em cảm thấy học những thứ đó đúng là không cần thiết. Trong việc học quan trọng nhất là học sinh phải thích thú, đam mê những thứ mình được học. Không phải ai cũng có tư duy toán học tốt và thích tính toán để cảm thấy thích thú học những thứ phức tạp và khô khan đó. Mặt trái của việc ép học những thứ xa rời thực tiễn là khiến học sinh dễ cảm thấy chán ngán và gây tác dụng ngược. Em đồng ý với anh Châu là “Cái cần làm trang bị cho học sinh phương pháp tư duy khoa học: định hình rõ nét khái niệm, liên hệ những khái niệm đó với thế giới khách quan, biết lập luận, biết tính toán để đưa ra những luận điểm cụ thể, kiểm chứng những luận điểm đó với thế giới khách quan”. Nhưng không phải cứ học toán học phức tạp thì mới có được phương pháp tư duy khoa học và biết lập luận. Đây là phạm trù của triết học vì vốn triết học (như Western philosophy bắt nguồn từ Socrates) được sinh ra để giải quyết những vấn đề này qua những ví dụ rất gần gũi với cuộc sống. Vì vậy thay vì học toán quá cao thì em nghĩ GD VN nên chú trọng dạy triết học hiện đại và cách lập luận logic với những ví dụ thực tiễn thì sẽ thú vì và hữu hiệu hơn nhiều. Ngoài ra còn có những môn học khác có thể dạy học sinh cách tư duy logic như cờ vua chẳng hạn, cũng rất thú vị và còn mang tính giải trí cao.

    Thích

    • Nhạc công phải biết về âm thanh, họa sĩ phải biết về ánh sáng, đầu bếp nên biết hóa học.
      Diễn viên thì chắc cũng phải biết qua camera, ánh sáng, âm thanh, cấu tạo thanh khoản để luyện và giữ giọng, chưa kể những kiến thức về văn hóa, lịch sử, tâm lý, v.v… để có thể nhập vai.

      Không biết, cũng như làm mà không biết mình đang làm cái gì. Đó gọi là dốt. Mà dốt gây nhiều hệ lụy, nhất là nếu có quá nhiều người dốt ở tầm xã hội. Ví dụ trong nhạc chẳng hạn, là những “quái thai” như “Làn da trâu”, hay những nhạc lai tạp Tàu, Hàn hiện nay, trong khi chất liệu Việt mai một. Người sáng tác ko biết mình sáng tác cái gì, người chơi ko biết mình đang chơi cái gì, người nghe ko biết mình đang nghe cái gì.

      Âm thanh hòa với nhau định hình chất liệu nhạc. Phía dưới âm thanh là những qui luật dao động của sóng. Ko biết sóng thì ko hiểu tại sao Do Mi Sol nghe êm còn Do Re Fa nghe chói. Cũng ko hiểu nhạc Việt ngũ cung là gì mà nhạc Tây phương sao có đến 7 nốt. Không hiểu về sóng, tần số, hàm sin, v.v… thì chẳng biết nguồn gốc của những thứ đó ở đâu ra…

      Nếu bạn hài lòng, hoặc nghĩ là người ta nên hài lòng với những gì mình biết mà ko cần quan tâm đến gốc ngọn, đầu đuôi thì … cũng tùy bạn. Nhưng dù nghề nào đi nữa, nếu sống mà ko tò mò xem sự vật hiện tượng chung quanh đang diễn ra như thế nào hoặc ko có nhu cầu tìm hiểu tại sao lại như vậy thì .. buồn quá. Còn nếu tò mò muốn hiểu thì phải biết chút đỉnh về tích phân, vi phân. Biết thêm một chút kiến thức phổ thông cũng làm cuộc sống thêm vui vẻ và phong phú bạn ạ. Đơn giản chỉ vì cái hạnh phúc khi cảm thấy mỗi ngày mình biết thêm một chút, bớt dốt đi một chút, hoặc … ít dốt hơn người khác.

      Bạn nên theo phong trào cổ vũ cho dân Việt ít dốt đi, thay vì khư khư cho rằng cái này ko cần thiết, cái kia ko cần học. Những suy nghĩ như vậy trì kéo sự tiến bộ của mọi người, kể cả chính mình. Dân tộc Việt đã dốt so với tiến bộ nhân loại sẽ ngày càng dốt hơn.

      Thích

      • Tôi đọc đi đọc lại vẫn ko hiểu bạn tại sao bạn fuzzychicken lại quy chụp cho tôi là “thay vì khư khư cho rằng cái này ko cần thiết, cái kia ko cần học”. Thứ nhất, tôi ko “khư khư”, và thứ 2 tôi ko quy chụp cho “cái này ko cần thiết, cái kia ko cần thiết”. Nếu bạn đọc kỹ sẽ tôi có nói là tích phân, vi phân cần thiết cho mathematicians tương lai, nhưng ko nhất thiết cần thiết cho những ngành nghề khác. Tôi cũng có nói là Western philosophy hay cờ vua có thể thích hợp hơn cho nhiều đối tượng để học cách suy nghĩ logic và tư duy khoa học.

        Còn nhiều quan điểm trên bài viết của bạn tôi chưa đồng ý như cần phải biết tích phân vi phân => am hiểu về sóng => hiểu rõ vì sao Do Mi Sol nghe êm còn Do Re Fa nghe chói. Tích phân và vi phân vốn được phát triển bởi Newton và Leibniz vào cuối thế kỷ 17. Lúc bấy giờ nó chỉ phổ biến trong giới toán học. Tôi không nghĩ những thiên tài âm nhạc như Mozart hay Beethoven sống vào thế kỹ 18 đã được học tích phân và vi phân. Kể cả những nhạc sĩ ở thời Baroque, Renaissance thì càng chắc chắn không được học. Còn để nói như thết nào là “quái thai”, “lai tạp Tàu, Hàn” là tốt hay xấu tôi không muốn tranh luận ở đây vì cảm nhận về nghệ thuật vốn tương đối tuỳ theo người cảm nhận. Tôi cũng không nghĩ dân tộc “Việt dốt hơn so với tiến bộ nhân loại”, vì vốn “dốt” cũng mang tính tương đối. Theo nhận xét của tôi thì về mặt bằng chung du học sinh Việt giỏi toán hơn học sinh Anh, nhưng những kiến thức về xã hội và đạo đức lại kém hơn hẳn. Còn khi ra đời ai thành công hơn ai thì chắc chắn bạn cũng rõ.

        Stephen Hawking có nói “the greatest enemy to knowledge is not ignorance, it is the illusion of knowledge”, tôi cũng đồng tình với quan điểm này, làm người dốt vẫn tốt hơn làm người tưởng lầm mình là tri thức. Xin lỗi tôi không muốn công kích cá nhân và ngoài lể cuộc tranh luận tí nhưng theo tôi có vẻ bạn fuzzychicken đang có illusion of knowledge trong âm nhạc thì phải.

        Một lưu ý nữa với fuzzychicken là cách tranh luận của bạn dường như rơi vào trường hợp thứ 12, 14, 18 trong “Thói nguỵ biện ở người Việt” (http://tuanvannguyen.blogspot.co.uk/2010/05/thoi-nguy-bien-o-nguoi-viet.html). Xin fuzzychicken đọc kỹ các trước khi phản biện vì tôi vốn không thích tranh luận với những nguỵ biện.

        Đã thích bởi 1 người

    • Trả lời thay cho GS Châu:
      “Việc học, theo Hannah Arendt, đó là cố gắng để hiểu thế giới xung quanh, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người.
      “Nó bắt người ta phải nhận thức về sự tồn tại của người khác, cái là điều kiện để phân biệt giữa thiện và ác”
      “Chức năng của nhà trường là dạy cho trẻ thế nào là thế giới, chứ không phải là rèn cho chúng nghệ thuật sống”
      => để có được thành tựu hôm nay, thì trước tiên con người phải hiểu được thế giới xung quanh anh à, Càng hiểu nhiều con người càng có nhiều khai phá, thành tựu.

      Và nếu nói như anh @ Trung Huynh, há chúng ta cũng chẳng cần học lịch sử, vì có mấy ai thích học lịch sử và nhiều người vẫn thường cho rằng học lịch sử để tự hào chứ chẳng được ích lợi gì chẳng bao giờ nghĩ lịch sử sẻ mang lại cho ta:
      “Người Đức khôn thật, họ cho học sinh học thuộc bài lịch sử! Dân tộc nào không làm điều đó, chắc chắn phải học đi học lại nhiều lần. Chưa thuộc bài nào, lịch sử sẽ bắt học lại bài đó. Mà mỗi lần học lại, thi lại đều phải trả giá đắt hơn trước. Giá ở đây có thể là máu, không chỉ là tiền như sinh viên thi lại!”.

      Mỗi môn học có ý nghĩa riêng và tác động đến những ngành nghề khác nhau, mang đến cho ta những hiểu biết khác nhau về thế giới tự nhiên thế giới con người. Không ai có thể quyết định môn gì, điều gì cần cho ai (cho ta và cho cả người khác), mà chính bản thân mỗi người phải tìm ra điều họ cần, điều họ buộc phải cần.
      Giáo dục là toàn thể, lượng kiến thức không phải và vấn đề mà cách tiếp cận kiến thức mới là điều quang trọng. Cũng cùng một môn học đó nhưng những giáo viên khác nhau, vùng đất khác nhau sẻ mang lại ý nghĩa môn học đó một cách khác nhau,

      Cái anh tranh cãi là xét trên yếu tố tác động và cần thiết đối với một cá nhân riêng lẻ, điều GS Châu nói là xét cho toàn thể con người, và sự học. Nhân loại càng ít hiểu biết càng u mê, sự học càng ít xã hội sẻ tha hóa dần theo thời gian.

      Chúc anh nhiều chiêm nghiệm và có cái nhìn rộng hơn!

      Thích

  5. @Trung Huynh:”Tích phân, vi phân đúng là cần thiết cho những mathematicians tương lai nhưng còn với các nhạc công, hoạ sĩ, đầu bếp, diễn viên,… thì em cảm thấy học những thứ đó đúng là không cần thiết”. Tích phân, vi phân ít cần sẽ cần cho những người theo cái nghề tin học, điện tử, cơ khí, xây dựng, bác sĩ, kinh tế,… rất nhiều ngành nghề khác nữa. Nghĩa là nó rất thiết yêu đối với phần lớn học sinh. Do đó vi phân và tích phân có mặt trong chương trình phổ thông là hoàn toàn hợp lý, ngoài ra vi tích phân còn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của khoa học. Vấn đề là những học sinh khối xã hội sẽ học chương trình toán nhẹ hơn là khối tự nhiên.
    Ngoài ra việc học còn là để khai TRÍ, để “thành người” chứ ko phải chỉ dừng lại ở việc để làm được nghề nọ nghề kia kiếm sống.( để làm được diễn viên, đầu bếp,… thì đôi khi cũng chẳng cần phải đi học bạn ạ)
    Mình trân trọng sự dũng cảm nêu lên suy nghĩ của bạn, hy vọng bạn cũng đủ dũng cảm để nhìn thấy chổ khuyến khuyết trong cách nghĩ đó.

    Thích

    • Tôi trân trọng quan điểm của bạn vd nhưng nếu đi vào từng luận điểm cụ thể thì còn nhiều vấn đề cần phải xem lại:

      1. Tôi không biết về các ngành nghề khác nhưng tôi theo nghề tin học và cũng có vài năm kinh nghiệm làm việc ở Anh thi với tôi nhận xét tích phân, vi phân cần thiết cho tất cả ai theo ngành tin học là không chính xác. Trong tất cả các môn về tin học tôi được học thì có lẻ chỉ có AI hoặc machine learning thì sinh viên cần phải biết tích phân, vi phân. Nhưng sinh viên có quyền được lựa chọn có học 2 môn này hay không vì dù sao vẫn còn có nhiều môn khác có thể học mà không cần biết những kiến thức này. Thực tế là trong công ty tôi có nhiều người không hề giỏi toán nhưng họ rất thông minh và làm việc hiệu quả. Chỉ có tôi là Data Scientists thì mới sử dụng những kiến thức có liên quan.

      2. Những kiến thức này hoàn toàn có thể được dạy ở ĐH khi mà học sinh đã chọn những ngành học có liên quan. Việc bắt buộc học ở phổ thông là hoàn toàn không cần thiết vì chính bạn cũng nói “nó rất thiết yêu đối với phần lớn học sinh”, điều này có nghĩa là vẫn có nhiều học sinh nó hoàn toàn không thiết yếu.

      3. Để làm được diễn viên, đầu bếp,… thì đôi khi cũng chẳng cần phải đi học bạn ạ: điều này tôi hoàn toàn không đồng ý với bạn. Bạn quan trọng việc học toán trong khi xem nhẹ những kỹ năng khác. Tất cả những nghề này đều cần phải học cả, vấn đề là họ phải tự học ở ngoài vì vốn trong nhà trường không hề dạy những thứ này. Tôi luôn tự hỏi vì sao hồi tiểu học và trung học tôi lại phải học vẽ mà không được học nấu ăn. Giá như tôi được học nấu ăn thì lúc đi du học đâu phải khổ sở như thế này.

      4. “Ngoài ra việc học còn là để khai TRÍ, để “thành người” chứ ko phải chỉ dừng lại ở việc để làm được nghề nọ nghề kia kiếm sống.” – trong các bài viết của tôi chưa bao giờ có ý học sinh không nên học cả, và cũng có nói rõ không nhất thiết phải học tích phân, vi phân thì mới là khai TRÍ. Luận điểm này của bạn lạc đề mất rồi.

      Tôi luôn sẵn sàng cởi mở để đón chào quan điểm ưu việt hơn. Đáng tiếc là lập luận của bạn chưa đủ thuyết phục. Tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của bạn, hy vọng bạn cũng cởi mở để đón chào quan điểm ưu việt hơn.

      Thích

      • Tôi đồng ý với anh Trung ở điểm không nên bắt tất cả mọi người học “vi phân, tích phân”. Nhưng như vậy không có nghĩa là phải bỏ “tích phân, vi phân” và những kiến thức khoa học tự nhiên khác ra khỏi chương trình phổ thông trung học, mà cần phân ban. Trong các giải pháp mà GS Hoàng Tuỵ có đưa ra để đổi mới giáo dục có việc phân ban này. Khi nào đăng lại bài của GS Hoàng Tuỵ, chúng ta có thể trao đổi kỹ hơn.

        Tôi không đồng ý với anh Trung ở điểm “học triết học” quan trọng hơn học toán, học khoa học tự nhiên, không phải vì tôi là nhà toán học. Tôi nghĩ rằng học toán và khoa học tự nhiên tự nó rèn luyện cho người ta cách đặt vấn đề, diễn đạt vấn đề một cách chính xác, hoặc đúng hoặc sai, chứ không mơ hồ à uôm.

        Học triết ở cấp phổ thông như thế nào là câu hỏi rất khó. Tôi không nghĩ rằng người ta, nhất là trẻ nhỏ, có thể hiểu về cuộc sống qua các bài giảng triết học. Các bài giảng triết học phát huy hết ý nghĩa của nó khi nó rọi sáng lên những trải nghiệm thực sự, còn nếu không nó rất dễ rơi vào mơ hồ siêu hình, hoặc những bài lên lớp đạo đức sáo rỗng.

        Nếu ý của anh Trung là cần thay đổi cách dạy nhân văn ở mức độ phổ thông, thì tôi rất đồng ý với anh. Thay đổi như thế nào sẽ là một câu chuyện dài, mỗi người sẽ phải suy nghĩ, đưa ra ý kiến, cọ sát với thực tế để mà tranh biện cho ra nhẽ.

        Chúc anh khoẻ.

        Thích

        • “Tôi không đồng ý với anh Trung ở điểm “học triết học” quan trọng hơn học toán, học khoa học tự nhiên, không phải vì tôi là nhà toán học. Tôi nghĩ rằng học toán và khoa học tự nhiên tự nó rèn luyện cho người ta cách đặt vấn đề, diễn đạt vấn đề một cách chính xác, hoặc đúng hoặc sai, chứ không mơ hồ à uôm.” – À, ý em chưa bao giờ nói học triết học quan trọng hơn học toán, mà cái point chính của em là tích phân và vi phân không phải là thứ duy nhất có thể sử dụng để dạy học sinh cách suy nghĩ logic, và cũng không phải là thứ sẽ mang lại cho đại đa số học sinh hứng thú nhất.

          Thực sự thì em không thích “phân ban” hay cách “phân ban” ở VN. Vì cách “phân ban” ở VN rất mơ hồ, không được xác định rõ mục tiêu. Chương trình “phổ thông” thì là chương trình phổ cập cho tất cả mọi người, những kiến thức thông thường nhất cần phải biết trong cuộc sống, ai cũng cần phải được học như nhau. Vậy nội dung của “phổ thông phân ban” lại mâu thuẩn với mục tiêu của chương trình “phổ thông”.

          Em thích hệ thống của Anh, chương trình phổ thông kéo dài 11 năm, sau đó muốn vào ĐH thì học thêm 2 năm A-level để chuẩn bị vào ĐH. Trong 2 năm đó học sinh sẽ học 4 môn nâng cao và được lựa chọn học toán, lý, tin, hoá, lịch sử, địa lý… tuỳ theo sở thích và thế mạnh của mình. Khi xin vào ĐH, dựa vào các môn đã học mà học sinh có thể xin vào các ngành nhất định. Em thấy hệ thống này khá hay vì mỗi giai đoạn được xác định rõ mục tiêu rõ ràng, qua đó tránh được tình trạng học sinh học những thứ không hứng thú hay cần thiết cho sự nghiệp tương lai.

          Thích

      • @Trung Huynh:

        1)-> Tôi có vào website chương trình đại học các ngành khoa học tư nhiên (cụ thể là ngành tin học) của một số trường đại học trên thế giới (như MIT, Cambridge, Stanford,…) thì thấy Calculus luôn được dạy ở năm 1 (hoặc trể nhất là đầu năm 2). Điều này có nghĩa là các Chuyên gia trong ngành thấy được sự thiết yếu của nó như thế nào đối với sinh viên trong ngành nên mới thiết kế chương trình như vậy. Nếu bạn cảm thấy Calculus thật sự chỉ cần thiết cho “AI hoặc machine learning” mà ko cần thiết cho các ngành Tin khác thì bạn có thể đề đạc ý kiến của bạn tới các chuyên gia bên ngành tin học của các trường đại học lớn để họ thay đổi.

        3)->”Để làm được diễn viên, đầu bếp,… thì đôi khi cũng chẳng cần phải đi học bạn ạ” chữ “học” trong câu này mình muốn nói là học hết lớp 12 (sorry, tại mình ko viết rõ ý nên bạn hiểu nhầm). Mình rất đồng ý là du học sinh thì phải biết cách tự nấu ăn, nhưng ở phổ thông dạy nấu ăn thì cũng sẽ có rất nhiều người (bằng cách lập luận của bạn) bảo tại sao ko dạy tui những thứ khác thiết thực hơn trong khi cả đời tui hầu như chẳng cần phải tự nấu ăn bao giờ.

        2)-> Quan điển của tôi cũng chỉ là “vi tích phân là Rất thiết yếu đối với phần học sinh” nên việc lựa chọn dạy nó ở phổ thông là hợp lý, nó sẽ giúp ít rất nhiều khi bước vào đại học bởi vì nó ko dễ tới mức mà học một lần có thể nắm bắt hết được ý nghĩa của nó, do đó nếu đã biết sơ ở phổ thông thì vào đại học sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên cách dạy vi tích phân ở phổ thông hiện nay theo tôi vẫn còn nhiều bất cặp.
        Dĩ nhiên mình đồng ý là vi tích phân ko thiết yếu với một học sinh mà muốn học để sau này theo nghiệp văn chương chẳng hạn. (nhưng biết một chút vi tích phân thì đôi khi cũng có ích khi người đó đọc một “quyển vật lý vui” hay một bài báo nào đó, hoặc dạy cho con họ một bài toán nào đó; hoặc khi bạn là một phóng viên muốn phỏng vấn GS NBChâu chẳng hạn, :D). Nếu vì trong 100 học sinh có 10 học sinh cảm vi tích phân ko thật sự thiết yếu mà ta loại vi tích phân ra khỏi chương trình phổ thông thì thật nguy hiểm!! Vì nếu như thế cũng nên loại bỏ phân nữa kiến thức Hóa học, Sinh học, Địa lý, Vật lý… vì nó ko thật sự thiết yếu với ít nhất 10 học sinh theo nghiệp Tin học, Toán học.

        Mình đồng ý là cần có một số thay đổi ở chương trình phổ thông, đưa thêm một số môn về các kỹ năng sống vào nhà trường…

        Thành thật mà nói thì mình cũng ko có quan điểm nào “ưu việt” hay “thuyết phục” hơn.
        Cám ơn đã thảo luận!

        Đã thích bởi 1 người

  6. Đọc các comment, tớ phân vân không biết mọi người đang tập tranh luận để xem ý kiến ai đúng; hay mọi người muốn điều gì đó tốt nhất cho thế hệ sau hay không.

    Thích

  7. Cam on cac ban 🙂

    Thích

  8. Tôi đồng ý với GS Châu là cần phải có trải nghiệm mới hành được thiền, nhưng chúng ta cũng nên gieo những hạt giống thiền và thiện vào lớp trẻ, để các hạt giống đó có thể lớn dần và giúp phát triển trí tuệ, nhân cách một cách đúng đắn nhất, còn hơn là gieo những hạt giống không tốt thì sẽ khó sửa chữa. Đơn giản là một thoáng tĩnh tâm vào đúng thời điểm cần thiết cũng là Thiền.

    Thích

  9. Tình cờ đọc bài viết này thấy mọi người tranh luận tích cực nên cũng muốn tham gia đôi chút. Tôi có tự định nghĩa như sau : Văn minh là một quá trình đi tìm một hệ thống tốt hơn bằng cách tổng hợp các nguồn lực. ( Văn minh ở đây được hiểu là những gì không lãng phí, tốt đẹp nhất với con người và môi trường ) . Theo định nghĩa này thì mục tiêu của giáo dục sẽ là hướng tới văn minh. Học thế nào để đạt được mục tiêu này tôi cũng chưa tìm được câu trả lời, nhưng ít nhất theo tôi thì con người cần phải tương tác với nhau hiệu quả hơn nữa và con người tương tác với môi trường hiệu quả hơn nữa ( môi trường được định nghĩa là những gì ngoài bản thân mình và không phải con người) . Theo tôi mỗi đứa trẻ sinh ra là một hạt sinh mệnh có một sứ mệnh với cuộc đời. Hạt sinh mệnh này sẽ được ươm ở môi trường nào ? trong một gia đình nào ? sẽ ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm sứ mệnh của nó. Theo cảm nhận của tôi thì hầu hết nhân loại chưa tìm được sứ mệnh được định sẵn của mình. Thế nên, Thiền định là một cách thức tốt để giúp con người tìm được sứ mệnh của mình chứ không phải duy nhất. Chúc anh Châu và các bạn mạnh khỏe .

    Thích

  10. Ở đây, mọi người có vẻ cho rằng, những cái đã có, ít hay nhiều là ổn. Ví dụ, bộ môn học, nội dung học, có thể chỉ phải thay đổi cách dạy. Và còn nhiều định nghĩa, rất tuân thủ theo quy tắc này hay quy tắc khác. Các vị cho rằng mình là người lớn, hiểu biết hơn con trẻ, thông minh hơn con trẻ, và vì thế có cái quyền đề ra định hướng cho chúng. HAHA, đây chính là căn bệnh.

    Xin lỗi, tôi cho rằng các vị nên để lũ trẻ được yên và quan sát để thấy các vị còn phải học chúng nhiều. Các vị, và cả tôi nữa, chất toàn những thứ cặn bã trong đầu, kiến thức vay mượn, chứ biết thật là mấy. Và đừng lôi con trẻ vào trường học nữa, chỉ làm cùn sự sáng tạo của chúng.

    Tôi có nói thế này, chắc chắn sẽ ăn đá. Bởi vì các vị thích lý luận, thích logic, thích có bằng chứng. Cuộc sống thì không cần bằng chứng và sự thật thì phải cảm nhận bằng trái tim. Các vị nên về nhà, xếp ghế ngồi trước mặt lũ trẻ, hỏi han và cố mà hiểu chúng. Chí ít sẽ hiểu được phần nào sự bức xúc trong câu chữ của tôi.

    Đề nghị bạn bớt bức xúc, hoặc tối thiểu là bớt trút bức xúc vào comment, không khí tranh luận sẽ lành mạnh hơn. Cám ơn! – Nhóm biên tập

    Đã thích bởi 1 người

    • Tôi đồng cảm với Mr. Nguyễn Quang Đạo. Vì có thể quan điểm về sáng tạo của tôi và anh khác nhau nên trước khi tranh luận tiếp với anh tôi muốn hỏi rõ sáng tạo theo ý của anh nghĩa là như thế nào ?
      Một ý nhỏ khác từ thực tế muốn chia sẻ : Tôi có tham gia một chút theo một chương trình về đổi mới cách giảng dạy tiểu học. Chương trình này đã diễn ra được 4 năm. Các chuyên gia đến một số trường tiểu học dự giờ và đưa ra góp ý về cách giảng dạy. Từ thực tế họ đưa ra phương án cải tiến như sinh hoạt nhóm, cách quan sát học sinh để giải quyết ngay những vấn đề học sinh gặp phải trong giờ học với tiểu học là 35 phút. Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế thì giáo viên trong vài năm được phổ biến phương pháp mới vẫn rất ít hiệu quả. Cũng là hoạt động nhóm thật đấy, cũng là quan sát những em học sinh cá biệt thật đấy, nhưng vẫn hình thức hơn là thực chất. Khả năng quan sát và xử lý tình huống của giáo viên trong 35 phút dạy học gần như không có chuyển biến trong vài năm ? Vậy vấn đề nằm ở đâu ? ở học sinh hay giáo viên ?

      Thích

  11. Các bạn nói nhạc công phải biết abc, họa sỹ phải biết xyz … Nếu không có khán giả thì không sớm thì muộn sẽ không còn nghề nhạc công, hay nghề họa sỹ. Cũng như nếu một Mr.abc sáng tạo ra một nghề mới xyz, ban đầu nó có thể không có khán giả hay khách hàng, nhưng nó có thể trở thành một nghề hot nhất trong mọi thời đại :). Người ta hay nói đến 7 loại hình nghệ thuật, tương lai có thể có nghệ thuật thứ 700 và các loại hình nghệ thuật bây giờ không tồn tại nữa cũng là chuyện có thể xảy ra. Nếu cống hiến và sáng tạo trở thành nhu cầu của nhiều người thì một lúc nào đó cũng không cần phải nói đến nghệ thuật thứ mấy làm gì nữa .

    Thích

  12. Nhân các bác đang bàn về việc có nên dạy và học “toán” hay không, tôi copy một đoạn từ Chương 11 cuốn Start Up Nation (một cuốn sách nói về sự trỗi dạy thần kỳ của Israel):

    ***

    Xuyên suốt cuốn sách, chúng tôi đã chỉ ra rằng văn hóa ứng biến và chống phân cấp quản lý (tôn ti thứ bậc) của quân đội Israel đã đi theo người Israel vào trong các doanh nghiệp và giúp định hình cho nền kinh tế Israel. Văn hóa này, khi kết hợp cùng thành tựu công nghệ Israel thu được từ các đơn vị quân sự tinh nhuệ, và từ công nghiệp quốc phòng nhà nước sẽ tạo thành một hỗn hợp hiệu nghiệm. Nhưng sự hình thành của công nghiệp quốc phòng Israel không hề bình thường. Một quốc gia quá nhỏ lại có tổ hợp công nghiệp quốc phòng bản địa là điều chưa từng nghe thấy. Nguồn gốc của nó bắt rễ từ sự phản bội bi đát chỉ sau một đêm của một đồng minh thân cận.

    Cách hay nhất để hiểu khoảnh khắc Israel bị dội nước là thông qua một cú sốc có tác động tương tự với người Mỹ. Trong những năm tăng trưởng nhanh sau chiến tranh, vị thế toàn cầu của Mỹ bất ngờ bị đấm gục khi Liên Xô qua mặt Hoa Kỳ bằng cách phóng vệ tinh không gian đầu tiên – Sputnik 1. Việc người Liên Xô có thể dẫn đầu cuộc chạy đua vào không gian đã làm sửng sốt hầu hết người Mỹ. Nhưng hồi tưởng lại, đây lại là cú nhảy vọt cho kinh tế Mỹ.

    Nhà kinh tế học sáng tạo John Kao nói Sputnik “là một hồi chuông cảnh tỉnh, và nước Mỹ đã trả lời. Chúng tôi điều chỉnh chương trình dạy ở trường để nhấn mạnh việc dạy môn toán và khoa học. Chúng tôi thông qua Đạo luật Giáo dục Quốc phòng trị giá 900 triệu dollar(khoảng 6 tỉ dollar theo thời giá hiện tại) để cấp học bổng, khoản vay cho sinh viên và trang thiết bị cho trường học”. [1] NASA và chương trình Apollo được thành lập, và một cơ quan tương tự thuộc Bộ Quốc phòng cũng được thành lập mới và chuyên tâm vào việc khuyến khích cộng đồng R&D dân sự.

    Hơn một thập kỷ sau đó, Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng. Chương trình Apollo và khoản đầu tư quốc phòng có liên quan của Lầu Năm Góc đã thúc đẩy một thế hệ của những khám phá mới mà sau này đều được thương mại hóa, tạo ra tác động gây thay đổi nền kinh tế. Chiến dịch phối hợp nghiên cứu và phát triển này đã sinh ra những khối doanh nghiệp hoàn toàn mới trong ngành viễn thông và điện tử hàng không, cũng như sinh ra chính Internet, và trở thành di sản của lời đáp trả Hoa Kỳ dành cho Sputnick.

    Thích

    • Tôi đang thấy rằng mỗi giọt mồ hôi của một người nông dân trên cánh đồng Việt Nam, góp một phần tuy rất rất nhỏ để Nasa .v.v.v… khám phá vũ trụ, vì dòng tiền trên thế giới đang chảy tuần hoàn. Bao nhiêu mô hôi công sức và máu của con người được đổ ra ngoài gia đình trái đất vì niềm đam mê khám phá. Việt Nam tuy vẫn còn nghèo nàn lạc hậu nhưng hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị khác biệt mà thế giới cần đến. Vấn đề là người VN có muốn làm điều đó không thôi ? Hoặc để cho phần đông người VN nhận thức được sứ mệnh của mình với cuộc đời này, với mảnh đất mình đang đứng, cần có sự hy sinh của những người VN tiên phong. Vì sự hy sinh là điều dễ thuyết phục người khác nhất.

      Thích

  13. Đây là đường dẫn để đọc bài viết của Hannah Arendt bằng tiếng Anh:
    https://docs.google.com/file/d/0B8JQotUJ5HGIMnE3Y1dLaGNNMmc/edit
    This essay is from Hannah Arendt’s book “Between Past and Future: Six Exercises in Political Thought” first published in 1961.

    Cảm ơn Lê Quỳnh Anh!

    Đã thích bởi 1 người

  14. Không tìm thấy nội hàm mới nhưng là một bài viết chuẩn, bố cục chặt chẽ và cần được phát tán rộng rãi trong giới giáo dục nước nhà. Rất ngưỡng mộ khi một Giáo sư Toán mà lại viết văn quá tốt! Trân trọng cảm ơn

    Thích

  15. Các ông nói nhiều quá làm đi nào !

    Thích

    • Giá mà có cách để dạy và học mà không phải nói thì tốt!

      Thích

      • Dĩ tâm truyền tâm có thể là một phương pháp có thể dạy mà không phải nói, nhưng nó vẫn là truyền thuyết, lý thuyết hơn là thực tế.
        Nghe nói ở Mỹ một số trường cấp 3 đưa tọa thiền vào trong giờ học ? Theo tôi thiền là một phương pháp tĩnh tâm làm cho đầu óc được sáng ra hơn – chỉ vậy thôi . Một ví dụ cụ thể : Ví dụ khi ta chuẩn bị phỏng vấn vào trường đại học, xin việc … một số người hay mất bình tĩnh trước khi đến lượt mình : thì được khuyên rằng hãy hít thật sâu và thở từ từ ra khoảng 3 lần . Nếu các bạn từng trải qua kinh nghiệm này thì các bạn sẽ thấy phương pháp đơn giản vừa rồi là có hiệu quả.
        Theo tôi tri thức và trí tuệ là hai khái niệm khác nhau. Hiện tại chúng ta cố nhồi nhét kiến thức cho học sinh là dạy chúng tri thức gom góp được của nhân loại, chứ chưa dạy chúng tìm ra và phát huy trí tuệ của chính mình. Trí tuệ là để nhận biết đúng sai, để ra quyết định thông minh trong vô vàn lựa chọn hàng ngày, để biết đặt câu hỏi nghi vấn cho những thành tựu cao nhất khoa học kỹ thuật mà con người đã đạt tới … Theo quan điểm của tôi là cần cho học sinh trải nghiệm và tập quan sát thật nhiều để nuôi dưỡng và ươm mầm hạt trí tuệ có sẵn trong mỗi con người khi sinh ra.

        Thích

  16. Cam on bai viet cua anh Chau!

    Minh cung bang tuoi anh va rat nguong mo tai nang cung nhu nhan cach cua anh. Khong chi xuat sac ve Toan hoc ma anh con viet Van rat tot. It nguoi co duoc ca chi so IQ va EQ cao nhu vay.

    Chuc gia dinh anh chi va cac chau luon doi dao suc khoe!

    Ann Le

    BT: Cảm ơn bạn. Nhưng đề nghị bạn gõ đủ dấu cho tiếng Việt.

    Thích

  17. Bài viết của GS Bảo Châu quá hay . Tôi đọc rất nhiều lần và sau mỗi lần đọc tôi lại tìm ra 1 điều mới bổ ích . Xin cảm ơn GS .

    Đã thích bởi 1 người

  18. TÔI LÀ GIÁO VIÊN THCS. ĐỌC BÀI VIẾT GIÁO SƯ THẤY CÓ ĐÔI CHỖ KHÓ HIỂU CÓ THỂ PHẢI ĐỌC LẦN 2

    Thích

  19. “Không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê.” Say mê thì làm gì cũng thành công :d. Ước gì quay lại thời trẻ để cố thếm tý nữa.

    Thích

  20. Tôi đọc hết bài viết của anh Châu nhưng quả thật không sáng ra được chút nào hết, vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống con người là giải quyết vấn đề bao gồm vấn đề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nếu mỗi một con người được đào tạo để luôn có suy nghĩ là mình sống để giải quyết các vấn đề cuộc sống thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao. Nếu có một thế lực ngoài hành tinh đang có kế hoạch tấn công trái đất chúng ta, bảo đảm khoa học thế giới sẽ tiến xa một bậc nữa.

    Thích

  21. Tôi nghĩ giáo dục không là quả của nhân cách. Mà xã hội mới cấu thành nhân cách.

    BT: Bạn có thể giải thích kỹ hơn được không, thay vì “phán” một câu ngắn gọn như trên?

    Thích

    • Chúng ta. Những người lớn. Luôn đưa ra đủ thứ cho con trẻ học. Để được gì. Lớn lên, lừa dối, thủ đoạn để vượt qua các kì thi…. Trong khi đó phe cố hữu luôn nói rằng xã hội đang lệch chuẩn bởi sự thâm nhập quá nhiều của văn hóa âu mĩ, hàn quốc…. Nhưng họ không thể ngăn cản được. Nó sẽ là quá trình quá độ, quá độ xã hội, văn hóa, giáo dục. Như xã hội chúng ta ảnh hưởng sâu bởi tư tưởng khổng tử. Nhưng cái mà văn hay chữ tốt dần không được coi trọng. Mà tôi thấy trẻ con học giỏi thì phải học giỏi toán, lý hóa….. Cái đó là lỗi của giáo dục? Tôi nghĩ không! Mà đã từ bao giờ xã hội lại nghĩ rằng. Học hơn nhau là cái điểm cao. Nên đã học là điểm cao. Nên các bạn lớp 12 chỉ học những môn thi tốt nghiệp thôi. Những môi còn lại thì tềnh toàng cho qua… Thôi nói dông nói dài đủ rồi. Tại sao người lớn cứ nghĩ và bắt trẻ con phải học… chỉ học. Và điểm kém là tồi…. Hãy cho nó một thiên mệnh là “làm việc” như vậy nó nhẹ nhàng hơn không. Học tốt phải có đam mê. Phải cống hiến. Để làm được việc đó. Đừng làm người ta mất niền tin. Đó là cần phải xin xã hội. Thành thật với nhau! Thay đổi quan điểm. Suy nghĩ về thành tích, kết quả để làm việc học nó nhẹ nhàng và phù hợp với số đông hơn.

      Thích

  22. Em cũng đã đọc rất kỹ bài của giáo sư Châu, rất nhiều chỗ đọc thấy hay nhưng chưa hiểu tường tận. Nhưng tóm lại là với những người bình thường như em, chỉ có mục đích là muốn tự hoàn thiện bản thân mình, do the best, không cần phải là người hoàn hảo, mong ước dạy con thật tốt để con cái được hạnh phúc và là người tốt, sau khi đọc bài này của Giáo sư, học qua khóa học ngắn của Trung tâm Life art hay đọc sách của nhóm Cánh Buồm 2012, em thấy là: phải tự trải nghiệm và có trao đổi, thảo luận và tự rút ra bài học cho bản thân là cách tốt nhất, vứng chắc nhất. còn nếu không, nói nhiều, đọc nhiều chẳng khác gì đẽo cày giữa đường, loạn cả đầu.
    Cái vướng nhất là, đối với người trần mắt thịt như chúng em, là sẽ bắt đầu từ đâu, cụ thể tiến hành thay đổi nhận thức bản thân như thế nào…vẫn biết là các bác trao đổi quan điểm để thay đổi nhận thức nhưng em thấy sẽ hiệu quả và có tính xã hội hóa cao hơn, giúp đỡ những người như em, các bác có thể có nhiều bài minh họa cụ thể, các bài dạy mẫu, hướng dẫn mẫu….(video clip một tiết học chẳng hạn – như em đã góp ý với nhóm Cánh Buồm). nói tóm lại là cụ thể, cụ thể… em phải làm ra sao?

    Thích

    • Nói tóm lại là đầu tiên bạn phải bỏ ngay cái tư tương học làm sao để giỏi 1/100 hay 1/1000 GS Ngô Bảo Châu, bước hai là bạn phải bỏ ngay việc tìm cách học mà phải xác đinh mục đích học trước đã, nếu bạn thích một cái gì đó, ví dụ: khi anh chàng đang thích một cô gái thì tự nhiên anh ta sẽ nghĩ trăm phương ngàn kế để cua cô gái đó, khi bạn la dân Lập trình chẳng hạn bạn có thể thức trắng vài ba ngày để giải tìm và giải quyết một bài toán, việc tìm phương pháp cũng là một cách biện minh cho sự mất phương hướng hoặc không muốn đối mặt vấn đề. Hảy tự ép mình, tự thúc ép mình, tự làm khó mình để tiến lên đừng có đứng đó trong chờ vào ai, vào sự thay đổi từ bên ngoài bởi vì chúng ta đang ở tầm thấp hãy đợi đến khi chúng ta lên tầm cao rồi tính tiếp, nhưng mà tầm cao chỉ dành cho một số ít người…

      Thích

      • cám ơn bạn Bảo rất nhiều. bạn nói rất đúng, đối với trường hợp của mình, phải xác định mục đích trước. mình cũng đang thuộc dạng mất phương hướng, chả hiểu mục đích của mình là gì. tnks a lot

        Thích

  23. Bài viết của GS Châu hay quá! Về lập luận em biết mình không có nhiều khả năng để đưa ra nhiều ngôn từ xúc tích mang tính hiểu biết rộng như các vị tiền bối ở đây. Em chị mạn phép nói những gì mình luôn canh cánh trong lòng và có đôi phần là mâu thuẫn. Đó là mong muốn những người lớn, những người làm anh, làm chị, là cha mẹ hay những người làm nghề truyền thông hãy là tấm gương lớn nhất về cách làm người qua hành xử , phát ngôn trong xã hội – đó là sự tác động trực diện hình thành lên nhân cách của một đứa trẻ. Nếu có thể tuyệt đối hóa một vấn đề như vậy thì em tin xã hội lúc nào cũng là một màu hồng. Nhưng cái em băn khoăn và mâu thuẫn đó là thực tế sự tuyệt đối là không tồn tại. Một xã hội không có mặt trái và những lỗ hổng thì chúng ta sẽ đấu tranh và phát triển từ đâu?! Khi đứng ở ngã rẽ cuộc đời xấu – tốt hay thiện – ác, mỗi con người sẽ lựa chon cuộc đời mình theo cách khác nhau tùy vào rất nhiều yếu tố ( tâm lý, nhận thức, năng khiếu…) Em rất muốn một xã hội trong sạch và văn minh nhưng không thể lờ đi việc phải tự trau dồi các kỹ năng để tự bảo vệ mình. Liệu khi giải đáp được câu hỏi lớn mà các bác đưa ra ở đây sẽ giải quyết luôn câu hỏi của em là ” đào tạo kiến thức và ý thức như thế nào để phân khúc xã hội một cách rõ nét?” … giống như kiểu đã được đào tạo công an, giáo viên, bác sĩ… thì phải tôn chỉ đạo đức nghề nghiệp để nhân dân không mất niềm tin vào nhà nước.
    Các bác giúp em có cái nhìn thông suốt hơn nhé. Cảm ơn mọi người!

    Thích

  24. 1. Tôi rất thích đoạn :”…học chữ hay học làm người…” của Gs Bảo Châu, vì Gs thể hiện là người rất hiện sinh – học chữ để phát triển tinh thần, thể chất của con người, để dần dần “con người” có được phẩm chất, năng lực, trí tuệ …. đúng thật là “con người”. Vậy, tôi đề nghị với Gs Châu: học chữ và học làm người “na ná” nhau ! Gs cứ phan một phát học chữ là được lắm ạ !
    2. Chín tháng trong bụng của mẹ mình thì ai ai cũng là thiền sư thuộc sơ đẳng cấp rồi, thậm chí chẳng cần ai chỉ vẽ chúng ta cũng nhập niết bàn. Với tôi, những ngày tháng còn trong bụng của mẹ mình là được sống trong cõi thiên đường. Vậy, không cần phải học “thiền” thêm nữa, mà thỉnh thoảng, đôi khi, phút chốc nhớ lại “thiền” một tý để kẻo quên, vô phúc thì lại “chẳng ra con người” các bác ạ ! Kết : đồng ý với Gs Châu viện dẫn câu nói của cỗ hiền nhân cỗ nước ngoài.
    3. Tôi, năm nay 57 tuổi, thắc mắc bấy lâu, mặc dầu có đọc và nghe nhiều bậc cao nhân: nhà giáo, chuyên gia kinh tế …lý giải, nhưng vẫn chưa thỏa đáng “cái nhu cầu” của mình. Gs Châu cũng đã có đưa ra lý giải. Câu hỏi của tôi: tôi giỏi toán và cũng giỏi văn từ bé, tại sao (?), xin Gs Châu lý giải kiểu hiện sinh càng nhiều tôi càng vui và hạnh phúc. Trân trọng.

    Thích

  25. Chỉ xin được góp tí chút thông tin về đoạn mở đầu của giáo sư về sự hướng thượng và hướng thiên. Theo như Steven Pinker đã nói, con người, trẻ sơ sinh từ trong bụng mẹ đã hình thành tính cách nhất định từ trước, mới bắt đầu sinh ra không phải la blank state như mọi người vẫn tưởng. Theo hướng nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu những trẻ sơ sinh và phát hiện ra rằng, có những trẻ rất ngoan rất hướng thiện và có những trẻ xấu tính và có biểu hiện sau này sẽ trở thành người xấu. Nên khẳng định rằng ko phải “nhân chi sơ, tính bản thiện” như mọi ng vẫn nghĩ. Và theo như sự extreme hóa như Tần Thủy Hoàng, ông còn khẳng định ngược lại là nhân chi sơ, tính bản ác và con người cần kỉ luật sắt để đưa vào trong khuôn khổ pháp luật. Tóm lại, cách nhìn của Steven Pinker là sự dung hòa của cả 2 trường phái trên với 1 chân lí ko thể phủ nhận được là có ng sinh ra tốt và có người sinh ra xấu.

    Đương nhiên ko thể phủ nhận vai trò của giáo dục và môi trường lên hành vi và nhận thức của con người. Tuy vậy điều đáng bàn ở đây là phải có những cách giáo dục khác nhau cho những người khác nhau, người tốt cần giáo dục như nào để họ vẫn tốt mãi, người xấu cần giáo dục như nào để họ tốt lên. Dường như, theo ý kiến cá nhân của ng viết, nền giáo dục của chúng ta đang quan niệm rằng tất thảy mọi người đều xấu, kỉ luật thép với tất cả mọi ng, kể cả với những ng đáng được thả ra để họ phát triển tư duy và khả năng sáng tạo vô cùng của họ. Ko biết có ai định home-school cho con sau này ở VN ko?

    Thích

    • Theo tôi thì home-school sẽ là một mô hình rất phát triển trong tương lai, kể cả home-medical.
      Nói vậy không có nghĩa là hai mô hình này sẽ thay thế toàn bộ cho những mô hình hiện tại. Nếu xét ở khía cạnh tiến hóa thì gia đình ( một tổ chức nhỏ nhất và nhiều nhất của xã hội) : nếu nó tiến hóa thì xã hội tiến hóa, nếu nó thoái hóa thì xã hội thoái hóa thì xã hội thoái hóa. Home-school là một yếu tố để làm tiến hóa gia đình.

      Thích

      • ko hẳn là thay thế những hệ thống hiện tại, chỉ là 1 trong những ví dụ để chứng tỏ mọi người có thể chọn nhiều phương pháp giáo dục khác nhau trong tương lai cho con mình cho con mình có nhiều tự do để tăng Intrinsic Motivation cho con mình hơn là Extrinsic motivation cho con mình. Con người có sự IM, nói 1 cách khác là lòng say mê nhiệt huyết với cái họ làm cộng với 1 môi trường tốt cho họ, như giáo sư Ngô Bảo Châu là cái mà người VN ta, trong thời đại giáo dục này còn thiếu.

        Thích

  26. Xin phép giáo sư và các anh chị cho một phụ nữ bình thường làm nội trợ tham gia đóng góp một số ý kiến riêng ạ.
    Trước tiên, em được gặp anh Châu vào năm 1987 tại ĐSQ VN tại Berlin khi anh cùng đoàn học sinh VN đi thi toán Quốc Tế. Lúc đó anh mới 15, nhưng rất tự tin và gây Ấn tượng mạnh cho một Cô bé 12 tuổi ham thích môn toán như em ngày đó 🙂
    Giờ đây khi đảm nhiệm vai trò làm vợ và mẹ như bao phụ nữ khác thì em phải nói rằng những gì em học được từ môn toán trong trường phổ thông và trước khi vào đại học đều rất hữu ích trong cuộc sống. Nói đúng ra thì đó không phải là các con số hay phép tính cụ thể, mà chính là cách lập luận và tư duy logic khi giải toán và học môn đó đã giúp em có được suy nghĩ rạch ròi, trình bày chính xác và cụ thể quan điểm, dẫn chứng mang tích khách quan hơn. Do vậy từ một Cô học sinh rất kém môn Văn khi về lại VN học cấp 3 (cấp 2 học tại trường Liên Xô tại Berlin và chỉ khá toán) thì vào đại học ở Đức, em lại được thầy bên này cho điểm cao khi viết political essays.
    Ngay cả lúc này, khi ngồi giảng bài cho các con thì em cũng vận dụng cách diễn đạt và giải thích ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Còn khi em soạn thư khiếu nại, góp ý, kiến nghị, đòi đền bù vv…(bên Tây lúc nào cũng có chuyện phải lo 😉 ) thì bao giờ em cũng nhận được thư phản hồi tích cực, do tính thuyết phục trong từng lời, từng câu. Em được chồng (“dân chuyên toán trước”, giờ làm IT, người có tài ăn nói hóm hỉnh và cũng lập luận chắc) rất tín nhiệm khoản viết thư giao dịch.
    Điểm sơ qua để giáo sư và các anh chị tham khảo, đồng thời cũng thư giãn một chút trong cuộc thảo luận có phần phức tạp này. Chúc tất cả mọi người tìm ra con đường đi hợp lý nhất, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng người! Xin tỏ lòng ngưỡng mộ và chúc mừng giáo sư Châu đã nỗ lực đem lại thành công cho bản thân, đem lại thành quả đáng kính cho xã hội. Rất mến phục người vợ đảm đang, người mẹ tài năng và hiền hậu vun vén gia đình để giáo sư tập trung nghiên cứu, để các con của anh chị là con ngoan và trò giỏi!

    Thích

    • xin lỗi, em nhầm ạ, năm 1989 mới là thi toán QTe ở Berlin, các anh trong đoàn lúc đó 17 rồi ;)) Em còn nhớ anh Châu hình như ở nhà người quen, còn các anh khác ở Sứ Quán tạm bợ vì không có kinh phí của nhà nước để ra khách sạn. Trông anh nào cũng gầy, ăn mặc phong phanh. Nếu như nhà nước biết đầu tư vào phát triển Tài năng trẻ thì đất nước còn có rất nhiều các nhân Tài như giáo sư Bảo Châu!

      Thích

      • Đang cao trào nói về các Tài năng, em thấy các anh chị bạn học (sinh 1967, 68) với chồng em thời Trưng Vương hay Sư phạm rồi ra nước ngoài học, họ đều từng thi Lý và Toán Quốc Tế nhưng đều ở lại bên này. Cũng tiếc thật đó, nhưng Họ đều có những ước mơ đơn giản là lập gia đình, có một cuộc sống ổn định, con cái được đi học và đào tạo có quy củ. Các bạn nhỏ không bị bố mẹ ép học như ở VN đâu, nên có chút tuổi Thơ hơn cái thời bố mẹ đi học! Còn nhiều lý do khác cũng tế nhị là sensitive issues như tự do dân chủ trong nghiên cứu khoa học cũng nên được lưu ý vì người làm khoa học Họ không thể sống trong một môi trường nơi dùng sức mạnh quyền hạn để chi phối người khác. Họ chỉ có tri thức và niềm say mê khoa học vô biên! Họ không quen lươn lẹo, nịnh cấp trên, lừa cấp dưới, nên tuy không nói ra nhưng Họ vẫn chọn đất Tây làm Bến đậu! Các bạn trẻ ở VN dù có giỏi cũng chỉ mong có suất học bổng đi học ĐH bên Tây, hay con của các nhà lãnh đạo cũng đều ở lại Tây, vì sao? Điều này ai cũng hiểu! Cải cách bắt đầu từ đâu nếu không phải từ đây!

        Thích

  27. Mình có chỉ số IQ và EQ không đến nỗi nào (điểm toán và văn của mình cao ngang nhau, đôi khi toán còn cao hơn văn, dù cấp 3 mình học chuyên văn), song khi vào ĐH thì theo bên KHXH. Học 4 năm ĐH không dùng tí ti nào tới đạo hàm vi phân. Học ThS thầy có nhắc tới đạo hàm vi phân một lần, trong cái chương trình SPSS, song tới lúc đó thì chỉ còn nhớ mang máng. Cho nên, mình nghĩ, và đồng ý điểm này với GS Châu là, rốt cuộc, không phải ta dạy học sinh học cái gì, mà là ta dạy chúng cách học như thế nào. Nhưng nói thật, về phương pháp tự học, tư duy logic thì dù đã từng áp dụng, ta dạy sinh viên ở bậc ĐH chán lắm, các bác ạ (SV mình từng kêu trời kêu đất khi học môn PPNCKH kiểu VN mình). Cho nên các bác cứ kêu, còn việc làm, thì với mình, hãy đợi đấy.

    Còn có cái này, con mình đang học lớp 1 bên TQ. Mình thấy trong thời khóa biểu của cháu một tuần có một tiết Triết học. Còn Đạo đức thì chủ yếu là học kỹ năng sống. Và chỉ học 6 tiết/ngày thôi, không học 8 tiết/ngày như mình. Mà nếu so con mình với cháu mình đang học ở nhà, thì mình thấy con mình vui vẻ, lanh lẹ, hoạt bát hơn. Vì thế mình không hiểu, các bác làm giáo dục ở nhà mình đang làm cái gì nữa?

    Thích

    • Bạn có thể nói rõ hơn một chút chỗ trẻ con lớp 1 TQ học Triết học không? Học cái gì, học như thế nào? Và cả chỗ học kỹ năng sống trong chương trình đạo đức nữa?

      Thích

  28. Các bạn hãy trả lời câu hỏi sau của học sinh: Thầy/cô ơi, tại sao em hỏi bố/mẹ em bài này (phân tích nhân tử/ tính tích phân/ phân tích nhân vật Thúy Kiều/Kể lại chiến thắng Bạch đằng/…) chẳng ai trả lời được, bài nào bố/mẹ em cũng bảo ” bố/mẹ quên rồi, đi mà hỏi thầy/cô ấy. Nếu học để rồi đằng nào cũng quên như bố/mẹ thì sao chúng em lại phải học hả thầy/cô.

    Thích

    • Chiêm ngưỡng một phong cảnh đẹp, nghe một bản nhạc hay làm cho tâm hồn bạn đẹp hơn dù cho bạn không thể miêu tả lại phong cảnh, không thể chơi lại một bản nhạc. Theo dõi một lập luật sắc sảo sẽ làm cho khả năng lập luận của bạn tốt hơn, dù cho sau một thời gian bạn không nhớ rõ chi tiết của cái lập luận đó. Việc học khác với việc đi mua một cái gì đó vì học là làm thay đổi chính bản thân bạn, không cần phải lo cái mà bạn mua nó còn hay mất.

      Thích

    • “Các em phải học để sau này còn làm bố, làm mẹ người ta chứ”
      Ngày xưa, tuổi như các em thầy cô cũng hỏi như vậy mà! Sao?
      – Chúng em không thích làm bố làm mẹ đâu.
      – Ừ! về mà nói với bố mẹ nhé.
      !!!!!
      – Bố mẹ mà làm được như các con nói thì bây giờ chúng tao đã mát một số chỗ.

      Thích

    • Chào bạn, ngỡ tưởng mọi người đều nhận ra rằng học là để rèn luyện trí óc, động não, tích cực suy nghĩ, đánh giá, phân tích và tổng hợp thông tin chứ nhỉ? Ngoài ra học là niềm say mê vì kiến thức là một kho tàng vô giá, càng biết nhiều càng tham lam muốn biết thêm! Mình cứ tưởng điều này ai cũng nhận ra, hihihi. Hay tại vì ở VN học quá nhiều mà vận dụng ít nên học sinh mệt mỏi, nghĩ đến học lá choáng và chán rồi!
      Ở bên Tây thì khác, nói đơn giản là mỗi cá nhân học nhiều hay ít tuỳ theo khả năng và điều kiện của mình! Hồi mình còn là sinh viên ở Berlin thấy trên giảng đường hoặc seminar hay có các Bác về hưu đến ngồi nghe giảng về Triết, Lịch Sử và Chính Trị, chỉ để thỏa mãn sự khát khao …kiến thức thôi, chứ không phải là vì bằng cấp hay chức tước như ở VN ta. Có lẽ bạn còn đang phải bươn trải học để cho các kỳ thi ở trong nước nên mới bức xúc như thế này giống bạn Châu Chấu thì phải. Đúng là do cách dạy và học ở VN chưa được đổi mới, được hợp lý hoá, nên ảnh hưởng đến việc học, chứ về bản chất HỌC là quan trọng. Sau này khi bạn trưởng thành, có nghề nghiệp chuyên môn hoặc chỉ làm Nội trợ như mình bạn sẽ thấy việc học tích phân hay phân tích truyện Kiều đều có ý nghĩa rất nhiều cho sự phát triển trí tuệ và cách tiếp cận thế giới đấy! Không phải là Nội dung mà là cách thức tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề, bạn ạ!
      Mong bạn đừng nản lòng việc học, chỉ Cần bạn học bằng khả năng, tâm huyết của bạn, không theo mốt hay thành tích, không học cho việc thi cử, nếu không lại đổ tội cho việc học là vô nghĩa đấy! Chúc bạn thành công trên đường đời!

      Thích

      • Hôm nay học lý thuyết lái xe mà thấy hay như học Toán!!! Nhất là khi ở ngã tư bao nhiêu là biển với cả chục các đối tượng tham gia giao thông. Không phải nói quá, nhưng cứ bạn nào học Toán giỏi thì học cái gì cũng giỏi, nếu như thời gian và điều kiện kinh tế cho phép 😉

        Thích

  29. thichhoctoan ơi, maphuong cảm thấy câu trả lời của thichhoctoan chưa đủ để em học sinh đó tiếp tục ngồi “gạo” bài đâu, thật đấy.

    Thích

  30. giáo sư viết bài này thật dễ hiểu. em cung rat thich cung dat nhau di duoi rtam bien chi duong cua tri tue hsp

    HTN: Nhưng câu comment của bạn rất khó hiểu, vì bạn viết tiếng Việt không có dấu.

    Thích

    • Thiết nghĩ hơn kém nhau về kết quả học tập là cái hầu bao lớn hay nhỏ!

      Ai kiếm được nhiều tiền người đó thực hành tốt – không lí thuyết suông.
      tuy nhiên những ông lắm tiền nhiều của thì hầu như phần “thiên nhiên” chiếm mất 70% (ít hay nhiều nhỉ?) – điều này làm xã hội không ưa lắm, vì chiếm phần lớn XH hiện nay đều là kẻ ngèo tiền của và giàu tính nhân văn, thiếu tiền ngồi thiền cho tâm hồn chay tịnh, bỏ qua hết những bon chen, giả dối (không bỏ thì cũng chẳng theo được bọn lắm tiền nhiều của).
      Nếu như, lại nếu rồi, khả năng học hành như nhau, chú nào cũng giàu có , còn gì thú vị nữa, sẽ chẳng còn ganh ghét nhau (xe sang, nhà đẹp, quần áo mốt …) nữa. Chẳng ai còn muốn ra đường – ra ai thèm ngía, không còn cảnh Ô sin, tự thân thằng nào thằng ấy lo – ăn song tự rửa bát nhé (không còn dịch vụ ăn uống) và thầm chửi đời sao có tiền vẫn phải khổ thế này. – Mấy ông nhớn bèn nghĩ ra giải pháp: Nhập khẩu lao động.

      Nhưng nước ngoài họ học tốt hơn mình, thế mới chán.

      Thích

      • Mình thấy bạn với nickname “kiếp nghèo” có vẻ bức xúc quá nên mới đề cập tới cái “hầu bao to hay nhỏ” 🙂
        Mình thì nghĩ việc học là tiếp thu kiến thức để phục vụ cuộc sống (vật chất và tinh thần), nên không học hay học ít thì là một thiệt thòi lớn cái đã. Khi có kiến thức sâu và rộng thì con người đi dược giải phóng khỏi sự dốt nát. Điều này có nghĩa là họ được tự do về tinh thần, độc lập về suy nghĩ và hành động có lý trí. Một trí thức ở bất kỳ lĩnh vực nào mà giỏi sẽ đều thành đạt, và sự thành đạt này không phó mặc cho may mắn hay định mệnh!
        Tuy nhiên, không nên đánh giá sự thành đạt bằng sự giàu có, bởi có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng mà cả đời hầu như không có gia sản gì ngoài tri thức của họ. Họ dành cả tâm huyết, sức lực và thời gian cho các công trình khoa học, nên được nhân loại kính nể, biết ơn. Ngược lại, khối kẻ giàu là tỷ phủ nhưng thiếu kiến thức nên chỉ buôn gian bán lận một thời gian rồi sau đó cũng phải hầu toà hoặc trả giá cho sự dốt nát của mình!
        Bạn đừng quá bi quan, có kiến thức là trang bị vào đời tốt nhất, là con đường làm giàu chân chính nhất. Ở nước ngoài, nhất là phưong Tây, thường là cá lớn nuốt cá bé, nhưng muốn không làm cá bé thì phải biết tự thu thập kiếm thức để đấu chọi với cá lớn. Có lẽ chế độ tư bản bắt con người ta phải biết đấu tranh để sinh tồn, nên kiến thức mang tính thực dụng hơn. Do vậy họ học là học cho ra trò 😉

        Thích

      • Không biết từ bao giờ người ta nhầm lẫn giàu là nhiều của cải, nghèo là không có vật gì quý. Có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” không nói về nghĩa đen, nghĩa của nó như muốn nói rằng, mắt để nhìn xem giúp phân biệt sự vật để phân biệt đúng sai mà làm. Người có con mắt để làm việc đúng, bỏ việc sai mới là người giàu. Người có hai tay dù vơ vét được nhiều thứ cho mình, nhưng chẳng làm được gì cho đời vẫn cứ nghèo dù họ rất nhiều tiền của và hơn thế. Bởi vậy mới có hiện tượng giàu có mà tan nát hết tương lai.

        Thích

  31. Bạn nào quan tâm đến viẹc đưa thiền định vào giáo dục có thể tham khảo bài viết : Thông điệp của những người anh” của ký giả Alan Eriera trong đường link sau đây:
    http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n0ntn4n31n343tq83a3q3m3237nvn
    Lan huong làm maphuong buồn 5 giây đó nha, nhưng maphuong lạc quan rằng lan huong biet maphuong đang hụp lặn trong bể khổ thì thế nào cũng bàn cách đưa maphuong ra, hi hi

    Thích

  32. Chân thành cảm ơn bạn. Bài thuyết giảng của Thầy Chân Quang thật tuyệt.

    Thích

  33. Là một người Việt Nam em thấy rất vui với những sự tranh luận và phản biện, cùng những đóng gốp ý kiến của các nhà khoa học nước nhà, đặt biệt là về giáo dục… Nhưng ai sẽ mạnh tai làm đây khi quá trình thực hiện các sáng kiền đều quá nhiều khó khăn và bó buộc… hy vong đất nước sẽ có “kì tích”…Vì một thế hệ tương lại.
    Em rất cám ơn mọi người!

    Thích

  34. Kính thưa các bác và cảm ơn về các ý kiến uyên thâm, cháu là thanh niên thế hệ 8x, cháu cũng quan tâm đến viêc nên học như thế nào vì cháu có con nhỏ nên việc giáo dục là cực kỳ quan trọng, nhưng cháu thấy bài viết dài quá, thực sự nhát đọc, chỉ cần vắn tắt và đưa ra lời khuyên có trọng tâm sẽ dễ hiểu hơn ạ! Người ta nói các nhà văn chả phục tài nhau có lẽ vì thế mà Bác Đạo đã bày tỏ quan điêm trước ý kiến của bác Châu! Cháu vẫn còn mải miết đi tìm cách giáo dục con cho tốt… Cảm ơn ý kiến của các bác!

    Thích

  35. Các bác nói học để làm người hay thành người? Vậy em còn chưa hiểu làm người là thế nào? Thành người là thế nào?
    Ông bầu Đức học kém nhưng lo được cho cả nghìn lao động. Vậy ông ta đang thành người hay mới chỉ được làm người. Cạnh nhà em có ông thầy giáo dậy toán. Cơm ko biết nấu. Vợ con bỏ mặc. Vậy thành người hay là mới làm người…..
    Đừng mang cái nhân sinh quan và sự hiểu biết của mình mà đánh giá tri thức của một diễn viên tuồng.

    Thích

    • Thầy Hoàng Như Mai là Thầy giáo có nhiều học trò. Học trò của Thày người lại làm Thầy, có người là nhà Văn, nhà khoa học có người là…một người bình thường. Thầy không có nhiều tiền như bầu Đức nhưng thầy có nhiều học trò hơn bầu Đức. Thầy đã ra đi và nhiều người công nhân Thầy đúng là một người Thầy mẫu mực. Và tất nhiên Thầy là Người.
      Bầu Đức nhiều người thấy ông ta là thành đạt ngang ngửa bầu Kiên. Hai người này đều giỏi kiếm tiền và xử dung lao động để đôi bên cùng kiếm lợi. Ông Kiên và ông Đức còn là tấm gương cho những người chưa giàu có thoát khỏi cơn say kim tiền. Để nhân xét về môt con người cho chính xác, thì phải nghiên cứu tiểu sử một con người rất kỹ. Xét từ lúc họ đang phấn đấu cho khát vong, cho tới khi họ thôi không phấn đấu nữa.

      Thích

  36. Giáo sư viết tâm huyết quá, khả năng viết văn và cảm thụ văn tốt, thật ngưỡng mộ! Theo TaTea quan sát, thường những người giỏi Toán thì viết văn cũng trơn tru nhưng ngược lại thì ít. Chỉ có cái, ngạc nhiên là GS viết dài quá, khả năng quy nạp của TaTea kém nên chẳng rút ra được cái gì 😦

    Thích

  37. Gs Ngô Bảo Châu đã nói: Tính hiếu học được thúc đẩy bởi cái bản năng hướng thượng hướng thiện… Theo tôi, đó cũng chính là cái bản năng hướng thượng hướng thiện về mặt tình cảm và tâm linh; nhờ đó, con người không ngừng đi tìm cái đẹp, cái thật nơi đối tượng mình đam mê, như toán và khoa học, như nghệ thuật và tôn giáo. Ồ ! Như tình yêu nữa.

    Xét về tôn giáo, thần linh bắt đầu từ con người. Từ thời cổ Hy Lạp, người ta tin thần linh sống lẫn lộn với con người. Bên Á đông, người ta tin anh hùng khi thác sẽ trở thành thần linh hay thần hoàng. Những niềm tin như vậy đã khiến con người lập ra các tôn giáo khác nhau. Tôn giáo là cần thiết, là vẻ đẹp, nhưng dùng tôn giáo để khống chế hoặc để thâu lợi, là những điều bất hạnh chung cho loài người.

    Nghệ thuật cũng như tôn giáo, cũng được đặt trên cái bản năng hướng thượng hướng thiện của con người. Vì thế, mà ta đã có được những tác phẩm tuyệt vời, vô giá. Cũng có không thiếu những nghệ nhân bẻ bút, đập đàn, vì không diễn tả được cái đẹp mà họ ái mộ.

    Toán và khoa học cũng là những tiềm ẩn trong vũ trụ, và có những vẻ đẹp riêng, nhờ bản năng hướng thượng hướng thiện mà con người tìm ra dần dần. Nhiều thầy giáo cũng như học sinh đã say mê những con số, và những công thức, cũng do từ cái bản năng hướng thượng hướng thiện của mình.

    Tóm lại, không phải riêng về giáo dục, mà mọi khía cạnh của đời sống, đều cần phải đặt trên cái bản năng hướng thượng hướng thiện đó. Ngược lại, nếu nó được dùng để khống chế hoặc để thâu lợi cho cá nhân nào hoặc riêng nhóm người nào, thì thật là những điều bất hạnh cho xã hội vậy.

    Thích

    • Đến đây, ra ngoài đề tài một tí, tôi nghĩ đến TCS. Ông đã cố ý hay vô tình, lẫn lộn tình yêu với cả đạo lẫn đời, tạo ra một vẻ đẹp kỳ diệu, rất là lạ ! Cũng có khi, nghệ nhân nói từ khía cạnh khác, người thể hiện đem tới ý tưởng khác, và người thưởng thức là tôi, lại cảm nhận hoàn toàn theo trải nghiệm của mình. Cái gì đó, rất riêng tư, nhưng rất chung !

      Thích

  38. khi suy nghĩ dù cao siêu đúng đắn và gì đi nữa nhưng không tương xứng với hành động thì như không.tranh luận nhiều nhưng giải pháp tác động thay đổi thì hầu như không thấy và mọi thứ vần đâu vào đấy .không giải quyết được vấn đề đây mới chính là nhược điểm lớn nhất của người việt.

    Thích

  39. Trừ các nhà toán học và những nhà KH cần toán ra, mọi người sau khi học toán là quên luôn, cái còn lại trong họ là phương pháp tư duy do năm tháng học toán để lại. Cho dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào, nếu không có phương pháp tư duy tốt như toán học, mà cứ tư duy lung tung bất quy tắc, chắc chắn đó là những con người thất bại. Để rèn luyện cho các cháu nhi đồng mai sau không bị thất bại, thì ngay từ ban đầu, khi các cháu bược chân vào trường học, nhất thiết các cháu phải được học toán.

    Thích

  40. “Việc học là việc suốt đời người, còn sống thì còn học. Không học cái này thì học cái khác, để biết, để làm, để chia sẻ, để khẳng định mình.”

    Thích

  41. Cảm ơn chia sẻ của anh.

    Thích

  42. Ngo Bao Chau thi OK roi …nhung a Chau se Lam Duoc Gi voi Thuc Trang VN hien nay nao … Da co Rat Nhieu Nha Giao Duc VN va hang ngan giao su tien si o VN Tranh Luan ve van de Giao Duc Dao Duc …nhung Tat Ca van chi la Vo Dung … Nguyen Nhan Cot Loi cua van de la o dau ???? … Mot Che Do ma Nguoi Nguoi An Cap va Noi Doi Bip Bom tro thanh Chuyen Binh Thuong thi lam sao co the co duoc mot Nen Giao Duc Tot duoc —.
    XHVN Chinh Phu VN Dang CSVN ..la Nguyen Nhan Chinh Gay Len su Yeu Kem ve Van Hoa Giao Duc cua DNVN … voi nhung Hanh Vi Tieu Cuc Tieu Bieu …Ngu Dan … Tham Nhung Lua Bip va Bat Bo Nhung Nguoi Luong Thien … Chinh Tham Nhung Be Phai moi la Nguyen Nhan Gay Ra Moi Chuyen ….ma Ai Tham Nhung va Tai Sao Dang CSVN KHong Chong Duoc Tham Nhung ????….Mot He Thong Con Ong Chau Cha – kieu Phong Kien – da Hinh Thanh Da va Dang De Doa Huy Hoai Nen Van Hoa Tri Thuc va Kinh Te VN … Chinh Tri Quyet Dinh moi van de ..ma Nen Chinh Tri o VN bao nhieu nam nay khac chi Mot To Chuc Toi Ac va Bip Bom …
    Lop Tre VN bao nhieu nam nay da Qua That Vong vao Nhung Nguoi Lon VN …ho chi thay Cac Lop Di Truoc o cai su Hen Nhat Tham Nhung Tuyen Truyen Ao Tuong An Choi Nhau Nhet …cong voi Mot XH day ray Tieu Cuc Chem Giet Trom Cuop Di Diem Vo Van Ho …xay ra hang ngay …. Hoc De Lam Gi ..???…— Ngo Bao Chau May Man duoc Dao Tao duoi che do Tu Ban …vi vay moi co duoc Thanh Cong Nhu Ngay Hom Nay …neu nhu Ngo Bao Chau ma o VN thi cung se Chim Dam duoi su Cha Dap cua che do Phong Kien Tham Nhung Thoi Nat nay ma thoi … Khong Co Nhan Tai Nao co the Song Sot duoi che do Tham Nhung Bat Cong nay duoc –
    — NGUYEN NHAN CUA MOI VAN DE LA DO Che Do Tham Nhung Bat Cong nay gay ra …ma Bo Chinh Tri Trung Uong Dang CSVN la Hai To Chuc Vi Hien Gay Ra —. Se Khong Co Loi Thoat Nao cho Giao Duc VN cung nhu XHVN ..khi ma mot che do Khong Co Bau Cu TU Do Dan Chu va Quoc Hoi Toa An phai chiu su quan li cua Bo Chinh Tri Trung Uong Dang CSVN —. Phuc Hung Nen Giao Duc VN .????… chi khi nao Loai Bo Duoc Bo Chinh Tri va Bau Cu TU Do Dan Chu —. may chuc nam nay ..hang ngan giao su tien si ..Tri Thuc o VN ..da Ban Bac khong biet Bao Nhieu Lan ve Nen Giao Duc VN … nhung Tat Ca Se Vo Ich .. CS la Tai HOa …

    Thích

    • Chính cái anh Kha Ngo này mới là một cái Tai HOa này, Xa Hoi chi Toan nguoi nhu anh Thi no nang Ne Chan nan kho song lam.

      Thích

  43. Đọc nhiều tranh luận của các bác, mình vẫn thiên về các quan điểm của GS Ngô Bảo Châu bởi tính logic theo tự nhiên.
    Với riêng bản thân mình thì tâm đắc nhất một câu mà một bộ phim Thế giới động vật nêu ra: “Tự nhiên là người thầy vĩ đại của muôn loài”. Đúng như vậy, Tự nhiên có biết bao nhiêu quy luật nhưng những quy luật đó được đề ra cũng chỉ phục vụ cho quy luật Cân Bằng.
    Đôi khi nhìn vào một con vật nhỏ bé mình nhận thấy cuộc sống của mình không được an lạc như nó, nhìn vào một nhánh cây, ngọn cỏ mình thấy tâm hồn mình không được cao thượng như nó và cần phải học hỏi từ những thứ đó rất nhiều.
    Nếu đem từ Tự Nhiên để áp dụng cho một phạm vi hẹp thì Tự Nhiên chính là môi trường, xã hội ta đang sống. Chính xã hội, môi trường xung quanh là người thầy vĩ đại của chúng ta. Một xã hội tốt, một môi trường tốt sẽ tạo ra những “học trò” tốt. Vậy muốn giáo dục tốt hãy tạo ra một môi trường tốt, điều đó rất dễ làm nhưng không hiểu sao chẳng ai muốn làm cả. Ví dụ đơn giản ở Việt Nam, chuyện xếp hàng, việc này rất dễ nhưng xem ra quá ít người muốn làm nó.
    Chờ đợi vào sự cải cách giáo dục chi bằng chúng ta hãy hành động tốt để tạo ra một “Người thầy vĩ đại” tốt giống như GS Ngô Bảo Châu đã đề cập ở bài viết trên.

    PS. Đừng bắt mình định nghĩa thế nào là tốt nhé, cứ tạm hiểu đơn giản là tạo ra sự công bằng là tốt, tạo ra lợi ích cho người khác là tốt.

    Thích

  44. Trong bài viết lấy 2 khái niệm Đạo và Đường Tròn đê ví dụ. Sao lại không lấy hai khái niệm Đạo và Điểm làm ví dụ?
    Tôi cũng từng nghe có mấy câu đại loại là:
    – đường thẳng là cái gì đó chỉ có bề dài mà không có bề rộng.
    – điểm là cái không có bề dài cũng không có bề rộng.
    Do không có bản gốc bộ Cơ bản nên tôi không chắc chắn mà muốn hỏi xem trong bộ Cơ Bản có mấy câu ấy không?

    Thích

    • Ồ. Cái trên là Phạm Thắng tôi, khi không comment được, đã thử nhờ người khác comment giùm nội dung. (nó vẫn không hiện ra nên đoán là trục trặc kĩ thuật, không phải tại mình làm bậy).
      Trong suy nghĩ của tôi tôn giáo và khoa học vốn cùng một gốc. Chúng nó là hai dạng cực đoan của một thứ thôi.
      Ví dụ về Đạo và Điểm ấy. Khi người ta tư duy tới tận cùng thì tới chỗ mà ngôn ngữ bế tắc. Nhưng không thể không dùng ngôn ngữ để nói nên rơi vào luẩn quẩn kiểu nó không thế này, không thế kia. Và khi tới mức đó thì khái niệm được hiểu sâu sắc, được ứng dụng rộng rãi linh hoạt. Đạo thì nhiều người bàn quá rộng rồi. Điểm thì trong toán học cũng có thể là bất kì cái gì miễn là đúng với các tiên đề.

      Thích

  45. Theo toi Chung ta can xac dinh lai cho ro su menh cua Blog Hoc nhu the nao cho ro rang. Neu su menh cua chung ta la tro giup nhung nguoi khac hoc tot hon (1) no khac hoan toan voi su menh tro giup nen giao duc viet nam (2) tot hon vi hai nhom doi tuong ma chung ta huong toi hoan toan khac nhau. Theo toi neu nhom doi tuong chung ta huong toi la nhom 1 thi theo toi nen voi hien trang moi truong kinh te, chinh tri, van hoa, xa hoi, khoa hoc cong nghe nhu vay ban nen phai hoc nhu the nao de dat duoc thanh tich cao trong hoc tap.

    HTN: Làm ơn viết tiếng Việt!

    Thích

  46. có lẽ phải dọc nhiều lần và suy ngẫm mới hiểu. Cảm ơn giáo sư

    Thích

  47. Bài mang tính chất nghiên cứu, chắc phù hợp với người có tuổi đọc.

    Thích

  48. Thưa các bạn, mình xin trình bày ý kiến bản thân mình một cách ngắn gọn.
    Mỗi bài viết, mỗi comment ở trên đều phản ánh lên cách nhìn nhận sự việc của họ. Mỗi ý kiến đều có một cái giá trị riêng bên trong nó, và để thấu được vấn đề đang nói tới thì có lẽ cần hiểu rằng không có cái gì tồn tại độc lập, đó là khi nó về bất cứ một khái niệm, một vấn đề, hay một giải pháp,… ta phải xem xét những đối tượng xung quang nó, vì chính những đối tượng đó tạo nên chủ thể ta bàn luận, là một phần của chủ thể. Đó là lí do càng đi sâu , tìm hiểu kĩ vào một vấn đề ta càng thấy nó mở rộng ra mọi khía cạnh. Thế nên đứng về phía mỗi thế giời quan của từng người, ta có thể thấy luôn có những thiếu sót, những sự mâu thuẫn, cùng với những điều thông thái, đúng đắn.
    Tôi là một người học Phật, từ bản thân tôi có trải qua kinh nghiệm về Thiền và Định. Từ đó trí tuệ tôi có chút khai mở, thấy rằng việc học hiện nay có lẽ cần có 2 phần thiết yếu: kiến thức về xã hội, thế gian ta đang sống(kiến thức hướng ngoại- phục vụ cho việc duy trì sự sống và giao tiếp với những thực thể xung quang ta nhìn thấy), và kiến thức khi ta hướng vào bên trong ta( đi sâu vào một trường không gian khác-và là nơi cho ta những thứ làm thay đổi thế giời quan hiện tại của ta, đem lại trong ta một giá trị mới,…). Cả hai đều cần thiết,tuy không như nhau, nhưng là dính lấy nhau(cùng chung một mái nhà là vũ trụ thân yêu này mà ^ ^).
    Vậy tôi xin để ngỏ cho các bạn có những suy ngẫm về đối tượng : HỌC này nhé.
    Mong sau khi mọi người đọc vài dòng comment náy, tôi sẽ gieo được những duyên lành ,những hạt giống trí tuệ cùng những điều tốt đẹp chắc chắn đến trong bạn! Nếu ai hữu duyên, mong các bạn kết nối với tôi qua facebook. Mong các bạn đều đạt được suy nghĩ của bậc tài trí nhân gian.
    A Di Đà Phật.

    Thích

  49. Bác Châu đã đưa ra một hệ thống tư duy để trả lời câu hỏi đó, trong khi phần lớn các bậc phụ huynh và con em họ chỉ nóng lòng muốn biết cách bác học để được giỏi, được thành công nhanh chóng.

    Nếu họ thực sự trả lời được câu hỏi về việc HỌ LÀ AI? họ hướng đến điều gì trong cuộc đời mình, nôm na là “họ đến với trái đất này với mục đích gì”, thì có thể dựa trên mục tiêu đó, họ sẽ tìm được cách đạt đến mục tiêu, và việc học cái gì, học như thế nào là hành động họ sẽ triển khai để phù hợp với bản thân. (tư duy kiểu này đáng tiếc là quá văn minh với xã hội VN hiện nay.)

    nếu họ chỉ muốn có bảng điểm đẹp, vào trường danh tiếng, tiếp tục có bảng điểm đẹp để có chỗ đứng nhanh chóng trong thị trường lao động, thì họ sẽ bất chấp, chẳng cần đến trung thực làm gì. miễn là có điểm đẹp. nhưng khi họ nhận ra cái bằng chả là cái gì để trở nên thực sự thành công, lúc đó họ mới biết đáng nhẽ họ nên học cái gì (có thể muộn hoặc vẫn kịp học – và việc học này là mãi mãi!)

    nếu xã hội vẫn không thực sự có sự hỗ trợ công bằng, vẫn chạy theo thành tích và những cái bằng, thì người ta vẫn học theo kiểu xã hội cần. xã hội văn minh hơn, thì đương nhiên việc học cũng đàng hoàng hơn.

    cho nên câu trả lời là chưa thể xác đáng khi xã hội vẫn còn quẩn quanh các tư duy cũ. nhưng hi vọng đây ko phải câu chuyện con gà quả trứng mà sẽ là vòng xoáy ốc, lên dần nhưng mất thời gian.

    Thích

    • Đồng ý, chúng ta học để sống. Sống là sống với người chung quanh, là sống với xã hội, dĩ nhiên là với cả chính mình.

      Tư duy vẫn có đó, vẫn còn đó. Trong xã hội đen tối, tư duy chỉ ta cách sống đen tối. Trong một xã hội hồng, tư duy chỉ ta cách sống hồng. Trong một xã hội xanh, tư duy chỉ ta cách sống xanh. Tư duy chỉ là một, vẫn là một.

      Thích

Bình luận về bài viết này

Nhập địa chỉ email để nhận thông báo có bài mới từ Học Thế Nào.